Vì sao vũ khí trong mộ Tần Thủy Hoàng 2.000 năm vẫn sáng bóng?

  •  
  • 1.268

Lí do nào khiến vũ khí của đội quân đất nung trong lăng mộ của Tần Thủy Hoàng được bảo quản hoàn hảo, sáng bóng và sắc bén sau khi bị chôn vùi trong hơn hai thiên niên kỉ?

Hơn 8.000 tượng chiến binh đất nung có kích thước bằng người thật được phát hiện trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc, vào năm 1974.

Nhưng phải gần ba thập kỷ sau, các nhà nghiên cứu mới phát hiện vũ khí của đội quân đất nung là đồ thật, không phải phiên bản mô phỏng. Hơn nữa, các vũ khí còn rất tinh xảo với cung tên đủ mạnh để đâm xuyên giáp. Trong số đó, đầu mũi tên là vũ khí phổ biến nhất mà các nhà khảo cổ thu thập được. Chúng được xếp theo từng bó 100 chiếc đại diện cho số tên trong bao của một cung thủ.

Mỗi cung tên gồm đầu bắn hình tam giác giống kim tự tháp, phần chuôi giúp lắp tên vào khung tre hoặc gỗ và một sợi lông chim gắn ở đuôi. Các bộ phận kim loại của cung tên (mũi tên và chuôi) là phần duy nhất còn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, điều gây bất ngờ là số vũ khí này được bảo quản hoàn hảo đến bất ngờ, bề mặt chúng vẫn sáng bóng và sắc bén sau khi bị chôn vùi trong hơn hai thiên niên kỉ.

 Vũ khí của đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phủ crôm.
Vũ khí của đội quân đất nung trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được phủ crôm. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học quốc tế mới được công bố đã trả lời câu hỏi hóc búa này: các nghệ nhân Trung Quốc cổ đại đã sử dụng một phương pháp bảo quản tiên tiến bất ngờ, sử dụng kim loại crôm.

Các vũ khí bao gồm gương, giáo và phủ thương được bảo quản gần như hoàn hảo là do sự tình cờ - sự kết hợp giữa thành phần đất thuận lợi trong khu hầm mộ và thành phần thiếc cao trong kim loại đồng. Các nhà khoa học khẳng định, crôm được tìm thấy trên bề mặt các vũ khí bằng đồng xuất phát từ lớp sơn mài giàu crôm được các nghệ nhân thời đó phết lên các tượng đất nung và các bộ phận của vũ khí. Họ không hề có ý định dùng crôm cho mục đích bảo quản.

Phủ crôm, một công nghệ được phát hiện vào đầu thế kỷ 20, được sử dụng để xử lý kim loại làm cho chúng không bị ăn mòn. Kim loại sẽ được nhúng trong dung dịch chứa muối crôm. Một lớp oxit crôm được lắng đọng trên bề mặt kim loại, tạo ra một hàng rào chống gỉ.

Martinón-Torres, người tham gia nhóm nghiên cứu của Đại học College London phối hợp với Bảo tàng lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho biết: "Về bản chất, chúng tôi cho thấy rằng vũ khí của quân đội đất nung cho thấy tình trạng bảo quản rất tốt, nhưng hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy đây là bất cứ điều gì ngoài kết quả của sự tình cờ".

Marcos Martinón-Torres, nhà khảo cổ học của Đại học Cambridge và ông cũng là người đứng đầu nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho biết: "Sơn mài được quét lên đội quân đất nung như một lớp sơn lót trước khi chúng được sơn bằng màu sắc khác nhau và chúng tôi nghĩ rằng nó cũng được quét lên các bộ phận bằng gỗ đã bị phân rã như tay cầm và các trục".

Không những thế, những chiếc cung tên có trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng còn có trình độ chế tác vượt trước thời đại của chúng hai thiên niên kỷ.

Cập nhật: 08/07/2022 Kiến Thức
  • 1.268