Việt Nam 'bỏ quên' nguồn năng lượng tái tạo

  •  
  • 1.616

Sở hữu nguồn năng lượng gió tốt nhất khu vực Đông Nam Á và 2.000-2.500 giờ nắng mỗi năm, nhưng lâu nay Việt Nam lại chưa khai thác hợp lý nguồn tài nguyên này.

Ngày 21/12, Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ KH&CN) tổ chức hội thảo quốc tế về các loại năng lượng mới. Thứ trưởng Công thương Nguyễn Nam Hải cho hay, cùng với sự tăng trưởng mạnh về kinh tế, nhu cầu sử dụng năng lượng đang tăng nhanh. Tiêu thụ năng lượng tăng từ 4,2 triệu tấn dầu quy đổi (năm 1990) lên gần 11,6 triệu tấn (năm 2000) và 19,6 triệu tấn (năm 2004). Từ năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành nước nhập khẩu về năng lượng.

"Nguồn năng lượng tái tạo ở nước ta khá dồi dào, có khả năng thay thế nguồn năng lượng hóa thạch, giảm thiểu tác động tới môi trường. Việc khai thác năng lượng tái tạo có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và phát triển bền vững", ông Hải nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng: "Khu công nghệ cao Hòa Lạc sẽ tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo". Ảnh: Tiến Dũng.


Minh chứng cho sự dồi dào về năng lượng tái tạo của Việt Nam, ông Lê Tuấn Phong, Vụ phó Năng lượng (Bộ Công thương) đưa ra hàng loạt con số, như thời gian mặt trời chiếu sáng trung bình đạt 2.000-2.500 giờ, tương đương gần 44 triệu tấn dầu quy đổi; năng lượng gió lên tới 500-1.400 kWh một m2 mỗi năm; năng lượng củi, phụ phẩm nông nghiệp khoảng 43-46 triệu tấn dầu quy đổi.

"Dù tiềm năng của năng lượng tái tạo ở Việt Nam khá lớn, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này chưa được quan tâm đúng mức", ông Phong nói và cho biết Bộ Công thương đã hoàn thành quy hoạch năng lượng tái tạo, trình Chính phủ phê duyệt. Sắp tới Bộ sẽ lập cơ quan quản lý nhà nước về năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo ở vùng sâu.

Được coi là sạch và phát thải khí thấp nhất trong các loại năng lượng, nhưng lâu nay địa nhiệt ở nước ta vẫn chưa được khai thác. Theo TS Đoàn Văn Tuyến (Viện Địa chất), Việt Nam có tiềm năng địa nhiệt trung bình ở châu Á, với hơn 200 điểm nước nóng, nước khoáng. Tại vùng đồng bằng sông Hồng, ở độ sâu 3.000 m, nhiệt độ lên tới 140 độ C...

"Tại Hà Nội, nước nóng địa nhiệt là tiền đề thuận lợi để quy hoạch xây dựng tổ hợp công viên, đô thị nước khoáng nóng sinh thái, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, còn có thể khai thác địa nhiệt bằng công nghệ bơm nhiệt đất để điều hòa không khí, tiết kiệm năng lượng", chuyên gia địa chất này nêu giải pháp.

Cũng theo ông Tuyến, sản lượng điện thương phẩm của Hà Nội hiện ước tính 5 tỷ kWh mỗi năm, phân nửa trong số này dùng cho điều hòa. Nếu dùng công nghệ bơm nhiệt đất (giá tương đương lắp điều hòa nhiệt độ) sẽ tiết kiệm được 0,8 tỷ kWh. Công nghệ này không chỉ giúp tiết kiệm 800 tỷ đồng một năm mà còn giảm phát thải hơn 250.000 tấn CO2

Hệ thống đèn chạy bằng năng lượng mặt trời và gió đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Tiến Dũng.


Khẳng định tầm quan trọng của nguồn năng lượng tái tạo, TS Nghiêm Vũ Khải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, kể: "Tôi vừa tháp tùng Thủ tướng dự Hội nghị ở Copenhagen (Đan Mạch) và thấy rằng nhân loại đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu gay gắt, Việt Nam là một trong 5 nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Ngày càng nâng cao việc sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng nguồn năng lượng quốc gia là vô cùng quan trọng".

Để sớm khai thác các nguồn năng lượng sạch này, một công ty chuyên về điện mặt trời của Mỹ (Cenergy Power) đang chuẩn bị triển khai đào tạo giúp Việt Nam 100 kỹ sư chuyên ngành điện mặt trời. Thứ trưởng KH&CN Nguyễn Văn Lạng cho rằng, đây chỉ là bước khởi đầu bởi trong thời gian tới, các trường ĐH, CĐ trong nước cũng cần phải đào tạo theo hướng này để đáp ứng nhu cầu.

Theo VnExpress
  • 1.616