Các nhà khoa học Việt có thể truy dấu vết Dioxin/Furan - hợp chất độc nhất trong các hợp chất hóa học - ở nồng độ phần triệu tỷ.
Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận đủ năng lực phân tích được 17 cấu tử Dioxin/Furan (chất độc da cam) trong 9 thành phần môi trường (nước mặt, bùn, đất, trầm tích, không khí, khí thải...). Đây là đơn vị thứ hai trên cả nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường công nhận có đủ năng lực và điều kiện để hoạt động trong lĩnh vực này.
Kỹ thuật viên sử dụng thiết bị đo sắc kí khối phổ phân giải cao tại phòng thí nghiệm. (Ảnh: Bích Ngọc).
Theo các nhà khoa học, độc tính của Dioxin/Furan rất cao nên giới hạn phát hiện của các phép phân tích phải đạt được ở mức độ siêu vết, tức là phải phân tích được đến giá trị nồng độ ppt (phần nghìn tỷ) đối với phân tích tổng Dioxin, và cỡ ppq (phần triệu tỷ) đối với từng dạng đồng phân. Việc tìm kiếm, phân tích các mẫu đất, nước, không khí... để tìm dấu vết Dioxin/Furan giúp cho việc kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp bảo vệ môi trường phát triển bền vững.
TS Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ cho biết, để đánh giá mức độ phơi nhiễm và tác động của các cấu tử Dioxin/Furan tác động tới sức khỏe con người đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật, trang thiết bị phân tích hiện đại, quy trình lấy mẫu, xử lý mẫu, tay nghề của cán bộ phân tích, điều kiện phòng thí nghiệm...
Để thực hiện nhiệm vụ, nhiều cán bộ của trung tâm đã được cử đi đào tạo tại Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore... để học tập kỹ thuật. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đầu tư các thiết bị hiện đại để Phòng thí nghiệm trọng điểm nghiên cứu về Dioxin có thể thực hiện phân tích mẫu, cho kết quả chính xác. Trong số này có máy đo sắc kí khối phổ phân giải cao (khoảng 24 tỷ đồng), sắc kí lỏng khối phổ phân giải cao (khoảng 18 tỷ đồng) và nhiều thiết bị khác.