Việt Nam liệu có dơi 'ma cà rồng'?

  •  
  • 4.681

Sau khi thông tin cho hay, tại Peru có hiện tượng dơi cắn người khiến 4 người chết vì bệnh dại. Nhiều độc giả lo lắng: Liệu Việt nam có dơi ma cà rồng hút máu và mang virus bệnh dại hay không?

Theo các quan chức Bộ Y tế Peru, những con dơi nhiễm virus dại đã tấn công 508 người dân thuộc làng Urakusa trong rừng Amazon đống bắc nước này làm thiệt mạng 4 đứa trẻ. Bộ Y tế đã cử ba đội y tế đến khu vực để tìm kiếm những người bị dơi cắn và tiêm vaccine phòng bệnh dại.

Loài dơi cắn người thuộc loài hút máu động vật nhưng đôi khi chúng cũng tấn công người, đặc biệt là những nơi có rừng nhiệt đới và môi trường sống của chúng bị tàn phá. Loài dơi này còn được mệnh danh là dơi ma cà rồng.

Tại Việt Nam, theo ThS Nguyễn Trường Sơn, chuyên gia về dơi thuộc phòng động vật có xương sống, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật, hiện Việt Nam có trên 100 loài dơi khác nhau nhưng không có loài dơi nào hút máu.

Lý do không có loài dơi này có thể do nhiều yếu tố như vùng phân bố, điều kiện sống, nhiệt độ địa hình, vật chủ con mồi, thức ăn khác nhau… Việt Nam là nước nhiệt đới nên có điều kiện môi trường khác với các nước châu Phi, từ đó loài dơi cũng mang tính đặc hữu riêng.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, dù không có loài dơi hút máu như ở các nước châu Phi nhưng đến nay cũng đã xác định được 3 loài dơi có mang virus bệnh dại trong miệng.

Loài virus này cũng tương tự như virus bệnh dại có trong nước dãi của chó. Nếu cắn vào người hay con vật, virus này có thể tấn công vào cơ thể và các cơ quan nội tạng khiến con người bị tử vong.

3 loài đó là dơi ngựa lớn, dơi ngựa bé và dơi ngựa Thái Lan. Đây là những loài dơi ăn quả được phân bố ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, vì các nhà khoa học chưa nghiên cứu sâu nên cũng chưa có kết quả chính xác về bệnh dại do động vật này gây ra.

Bên cạnh đó, ThS Sơn cũng cho rằng hiện một số hộ gia đình vẫn thường xuyên bị dơi bay vào nhà, thậm chí sống trong nhà. Tuy nhiên, loài dơi này chỉ là dơi muỗi, thức ăn chủ yếu của chúng là côn trùng và muỗi. Loài dơi muỗi này rất ít khi cắn người, nếu cắn cũng chỉ là hiện tượng hy hữu.

Đến thời điểm này chưa xác định được trường hợp nào bị dơi cắn và bị bệnh dại hay các bệnh khác. “Trường hợp bị dơi cắn nên đến bác sĩ để được tư vấn hoặc tiêm phòng dại nhằm phòng trường hợp xấu xảy ra”, ThS Sơn khuyên.

Theo GS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa sinh học, Trường Đại học khoa học tự nhiên (Đại học quốc gia Hà Nội), để đuổi loài dơi ra khỏi nhà cần tạo ra môi trường khó chịu cho loài đó mà vẫn đảm bảo môi trường cho các thành viên trong gia đình. Có thể áp dụng các cách như sau:

Cách 1: Đóng kín cửa, lấy bồ kết, hương nhu, sả đốt lên theo kiểu hun khói trong nhà. Mùi và khói của bồ kết và sae, hương nhu sẽ khiến dơi khó chịu và bay đi.

Cách 2: Lấy dầu hoả thấm vảo các tấm xốp hoặc gỗ rồi đặt lên chỗ dơi hay trú ngụ. Mùi dầu hỏ khiến dơi khó chịu cũng như dầu sẽ dính vào người chúng khiến chúng phải bỏ đi.

Cách 3: Thắp hương gần khu vực dơi thường về ở. Khói hướng xua dơi bay khỏi khu vực này. Tuy nhiên, các cách này phải được làm vài ngày liên tục để tránh dơi lại bay về sau khi hết mùi và khói. Đồng thời cần chú ý đến không gian nhà để đốt phù hợp, tránh đốt nhưng gió thổi bay hết cũng như có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

Theo Bee
  • 4.681