Trong vòng 2-3 tháng tới, thời tiết Việt Nam có nhiều khả năng chuyển tiếp từ hiện tượng El Nino sang La Nina, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương và Cục Khí quyển Đại dương Mỹ.
Ông Nguyễn Duy Chinh, Viện phó Viện Khí tượng thủy văn, giải thích: La Nina là hiện tượng biển lạnh đi ở trung tâm Thái Bình Dương và khi đó, mưa sẽ nhiều hơn, ẩm nhiều hơn ở vùng lục địa. Hệ quả là Việt Nam và các nước trên bán đảo Đông Dương sẽ xuất hiện mưa và lũ nhiều hơn bình thường. Theo ông Chinh, La Nina xuất hiện cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế của bão, nhưng vấn đề này phải có nghiên cứu cụ thể mới có thể kết luận một cách chính xác.
La Nina thường xuất hiện khi nhiệt độ mặt nước biển thấp hơn nhiệt độ chuẩn (khoảng 25 độ C) từ 0,5 độ C trở đi. Nếu nhiệt độ mặt nước biển chỉ thấp hơn nhiệt độ chuẩn trong phạm vi 0 -0,5 độ C thì đó là trạng thái trung gian. Ngược lại, nếu nhiệt độ mặt nước biển cao hơn nhiệt độ chuẩn thì đó là hiện tượng El Nino. Thông thường, sau một chu kỳ El Nino là đến chu kỳ trung gian hoặc La Nina.
Thống kê của các nhà khoa học cho thấy, trong một số trường hợp nhất định, sau một đợt El Nino, nhiệt độ hạ xuống ở trạng thái trung gian nhưng lại xuất hiện tiếp một đợt El Nino chứ không có La Nina. Thông thường, đợt La Nina thường kéo dài từ mùa thu của năm này đến mùa hè năm sau. Trên thực tế, vẫn có những năm Việt Nam không xuất hiện La Nina, thậm chí có năm xuất hiện El Nino hoặc hiện tượng trung gian nhưng vẫn mưa lụt nhiều.
Phó Viện trưởng Khí tượng thủy văn cho biết, không phải cứ La Nina là có có mưa hoặc lụt nghiêm trọng ở Việt Nam, vì hệ thống thời tiết của Việt Nam chịu rất nhiều tác động từ các khu vực lân cận. Những tác động này có thể khiến La Nina yếu đi. Dự báo La Nina xuất hiện gây ra mưa to, lũ lụt chỉ có xác suất đúng khoảng 70%.