Virút cúm gia cầm hiện nay có cùng loại với virút cúm 1918

  •  
  • 125

Virus cúm Tây Ban Nha, thủ phạm cướp đi sinh mạng của 50 triệu người năm 1918-1919, có lẽ là một chủng vi-rút bắt nguồn từ gia cầm và chim. Đây là tuyên bố của các nhà khoa học Mỹ sau khi họ phát hiện vi-rút 1918 có chung đột biến gien với vi-rút cúm gia cầm H5N1 đang hoành hành ở châu Á.

Đăng tải thông tin trên tạp chí Nature, các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu của họ nêu bật mối đe doạ hiện nay của vi-rút H5N1 đối với nhân loại. Một nghiên cứu thứ hai được công bố trên tạp chí Science tiết lộ một nhóm nghiên cứu khác tại Mỹ đã tái tạo thành công vi-rút 1918 ở chuột. vi-rút đó được lưu giữ tại Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ trong điều kiện an toàn nghiêm ngặt. Họ dự định tiến hành thử nghiệm để hiểu hơn nữa về những đặc tính sinh học làm cho vi-rút 1918 trở nên nguy hiểm.

Vi-rút 1918 được tái tạo từ dữ liệu của một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Bệnh lý học (Quân đội Mỹ). Xử lý những mẫu vi-rút từ thi thể của các nạn nhân trong đại dịch cúm 1918, nhóm nghiên cứu đã lắp ghép được toàn bộ chuỗi di truyền của vi-rút. Họ phát hiện vi-rút cúm 1918 chứa các yếu tố mới đối với con người vào thời điểm đó, do vậy làm cho nó cực kỳ nguy hiểm. Kết quả phân tích ba đoạn mã di truyền cuối cùng của vi-rút cho thấy những đột biến rất giống đột biến tìm thấy ở các vi-rút cúm gia cầm, chẳng hạn như H5N1 hiện nay ở Đông Nam Á.

Nhiều chuyên gia lo ngại H5N1 hoặc một chủng tương tự sẽ gây ra nhiều ca tử vong ở người sau khi kết hợp với một chủng cúm người. Đó chỉ còn là vấn đề thời gian. Điều nguy hiểm là những đột biến mà các nhà khoa học Mỹ phát hiện lại nằm ở những gien kiểm soát khả năng sinh sôi của vi-rút 1918 trong tế bào vật chủ. Có lẽ những đột biến đó đã giúp vi-rút 1918 lây lan hiệu quả hơn. Họ cũng nói thêm rằng hiện H5N1 chỉ có chung một số chứ không phải tất cả những đột biến của vi-rút 1918.

Mặc dù vậy, những đột biến đó có lẽ đủ để làm tăng tính nguy hiểm của vi-rút H5N1, giúp nó có tiềm năng lây nhiễm nghiêm trọng giữa người và người mà không cần phải kết hợp một một chủng cúm người thông thường. Các nhà nghiên cứu tin rằng hai đại dịch cúm lớn khác của thế kỷ XX (1957 và 1968) do vi-rút cúm người gây ra. Các vi-rút cúm người này có được hai hoặc ba gien quan trọng từ các chủng vi-rút cúm gia cầm. Tuy nhiên, họ tin rằng vi-rút cúm 1918 có lẽ hoàn toàn là một loại vi-rút cúm gia cầm, đã thích ứng để hoạt động trong cơ thể người.

Julie Gerberding, GĐ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cho biết: ''Khám phá vi-rút 1918 giúp chúng ta biết được một số bí mật nhằm dự đoán và chuẩn bị cho đại dịch cúm tiếp theo. Còn theo GS John Oxford thuộc ĐH Queen Mary, nghiên cứu trên cho thấy chúng ta cần xem xét H5N1 nghiêm túc hơn so với hiện nay.

Minh Sơn (Theo BBC, CNN)

Theo VietNamNet
  • 125