Lần đầu tiên trên thế giới, một thiết bị có khả năng mang lại ánh sáng cho người mù đã được cấp phép lưu hành trên toàn châu Âu.
Võng mạc nhân tạo sẽ đem đến cơ hội cho những bệnh nhân mù.
Với tên gọi Argus II, thiết bị này đã chứng minh được khả năng vận hành tốt, độ an toàn cao và nhất là khả năng có thể trả lại một phần ánh sáng cho những bệnh nhân bị mù do hậu quả của bệnh viêm võng mạc sắc tố gây ra.
Thiết bị đã được các nhà khoa học thuộc hãng Second Sight Medical Products (California) tiến hành thử nghiệm với khoảng 30 bệnh nhân tại nhiều trung tâm y tế ở Mỹ, Mêxicô và châu Âu.
Trong quá trình thử nghiệm Argus II tại Trung tâm nhãn khoa quốc gia Pháp (CNHO) thuộc Viện Quinze-Vingts (Paris), một số bệnh nhân tham gia thử nghiệm thậm chí còn có thể đọc được cả các chữ viết to.
Hiện nay, để có thể cấy võng mạc nhân tạo này, bệnh nhân có thể đến các bệnh viện thuộc các trường đại học ở Genève (Thuỵ Sỹ), các bệnh viện ở Anh như Royal Eye (Manchester) hay Moorfields Eye (Luân Đôn) hoặc Trung tâm nhãn khoa quốc gia ở Pháp.
Hiện nay, tại Đức, việc chi trả cho thiết bị dạng này đã được cấp phép với số tiền khoảng trên 85.000 euro (khoảng 2,5 tỷ đồng).
Phương thức hoạt động của Argus II gồm 3 giai đoạn tách biệt: thu thập các hình ảnh bằng một camera siêu nhỏ được lắp đặt trên hai mắt kính; xử lý các hình ảnh đó bằng một máy tính nhỏ có kích thước như một chiếc điện thoại được cài ở thắt lưng và những cảm nhận về các tín hiệu này được truyền tới võng mạc qua một chíp điện tử gắn ở phía trên. Võng mạc Argus II được kết nối không dây với máy tính và được thiết kế để có thể tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể. Sau nhiều tháng thử nghiệm, những bệnh nhân mù đã nhìn thấy các hình ảnh được tạo thành nhờ những tín hiệu do camera chuyển đến các tế bào hạch của võng mạc. |