WHO: lây nhiễm H5N1 có thể do tiếp xúc quá gần và quá lâu

  •  
  • 93

Joned Ginting, người sống sót duy nhất trong gia đình ở Sumatra
Joned Ginting, người sống sót duy nhất trong gia đình ở Sumatra
Theo bà Maria Cheng, người phát ngôn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Indonesia, bảy thành viên trong một gia đình ở bắc đảo Sumatra bị chết trong tháng năm vì cúm gia cầm có thể do lây nhiễm lẫn nhau.

Theo nhân chứng và là người sống sót duy nhất trong gia đình này - anh Joned Ginting, những người thân của anh đã qua đời từng người một trong vòng ba tuần lễ.  Vào ngày 29-4,  chị gái của anh đã ho suốt đêm  trong một căn phòng chật chội sống chung với hai con trai  và một người em trai 32 tuổi.

Bốn người này giờ đều đã chết. Bốn người khác trong gia đình sống sát bên cạnh cũng bị nhiễm bệnh theo và chết, trừ anh Ginting.

Hôm 25/05/06 tại Hà Nội, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Czech tại VN Ivo Zdarek đã bàn giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN 40 tấn hóa chất sát trùng trị giá 200.000 USD do Cộng hòa Czech viện trợ để phòng chống dịch cúm gia cầm ở VN.

T.Trúc - TTXVN

WHO cho rằng trường hợp gia đình trên có thể chỉ là hi hữu và nguyên nhân lây nhiễm có thể do người bệnh có thời gian tiếp xúc lâu dài và quá gần với người đã nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đã yêu cầu 33 người từng tiếp xúc với bảy nạn nhân trên thực hiện biện pháp tự cách ly tại nhà để phòng tránh lây nhiễm. Những người này sẽ được kiểm tra sức khỏe trong một, hai tuần tới.

Dick Thompson, người phát ngôn của WHO, nói rằng các mẫu virus gây bệnh ở nhóm bảy nạn nhân trên đã được gửi đến kiểm tra tại phòng thí nghiệm ở Hong Kong và không có biểu hiện nào cho thấy chúng đã biến thể sang một dạng dễ lây nhiễm hơn.

Đối với câu hỏi đâu là nguồn gây bệnh cho gia đình này ở bắc Sumatra, các chuyên gia y tế Indonesia và WHO cũng vẫn chưa có câu trả lời.

TH.Tùng

Theo BBC, AP, Tuổi trẻ
  • 93