Xu hướng cúng ông Táo không thả cá chép, hóa vàng

  •  
  • 107

Hóa vàng có thể khiến môi trường bị ô nhiễm, thả cá không đúng cách, đúng chỗ có thể khiến cá chết, chẳng khác nào sát sinh nên nhiều nhà đã bỏ tập tục này khi cúng ông Công ông Táo.

Chị Ánh Tuyết, 32 tuổi, một giảng viên đại học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết nhiều năm trước gia đình chị cũng làm lễ cúng ông Công, ông Táo như mọi nhà. Mỗi dịp như vậy, cả khu phố nồng nặc mùi khói và bụi do hóa vàng, mọi người đều khó chịu.

Ba năm trước, trong một lầm tham gia buổi pháp thoại trên chùa, chị Tuyết nhận ra việc đốt vàng mã chỉ làm môi trường thêm ô nhiễm và thả cá mà nó không sống được cũng không tốt. Chị tìm hiểu thêm về nếp sống văn hóa mới từ những người xung quanh và báo đài, nhận diện những gì là truyền thống tốt đẹp của cha ông thì giữ gìn, những gì không còn phù hợp thì nên thay đổi. "Từ đó gia đình tôi cúng chay và bỏ tục lệ đốt vàng mã, phóng sinh", chị Tuyết cho hay.

Năm đầu tiên thay đổi chị cảm thấy "có chút không quen", tâm lý vẫn còn lo lắng. Nhưng năm sau đó, các thành viên trong gia đình đều bình an vô sự, thậm chí tốt hơn mọi mặt. "Ban đầu, bố mẹ hai bên biết chuyện đều ý kiến. Sau khi tôi giải thích, cả nội ngoại cũng bỏ thói quen đốt vàng mã", chị cho hay.

Đến giờ, mọi thành viên gia đình chị đều ý thức được môi trường sống đang ô nhiễm nặng, đốt vàng mã sẽ làm cho tình trạng này thêm trầm trọng. Nhà chị thống nhất dành ngân sách mua vàng mã hàng năm, khoảng 5 triệu đồng, góp vào quỹ từ thiện để giúp các em nhỏ mồ côi.


Tiểu thương bán cá chép, vàng mã phục vụ Tết ông Công ông Táo tại chợ Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội sáng 21 tháng Chạp. (Ảnh: Phan Dương).

Sống ở một căn chung cư ở quận Hà Đông, Hà Nội, anh Thanh Tùng, 40 tuổi, cho biết ám ảnh cảnh người người, nhà nhà nô nức mua vàng mã để đốt trong dịp này.

"Tôi cũng biết mấy người dân sống xung quanh đi xúc ốc, kích điện bắt cá, săn chim... để bán cho người ta phóng sinh. Thiên nhiên rồi cũng trả về thiên nhiên, nhưng trong quá trình đó gây xáo trộn hệ sinh thái và giết hại nhiều sinh vật", anh nói. Có năm, anh còn thấy một người trong khu đốt vàng mã cháy phừng phừng cạnh bãi xe ôtô.

"Từ chỗ hóa vàng rất ít, hai năm nay tôi cũng không còn đốt vàng mã nữa. Có người nói tôi là lập dị, bị xì xầm là vô thần, nhưng tôi không quan tâm", anh Tùng nói.


Mâm cơm chay cúng ông Táo của gia đình chị Ánh Tuyết, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Giống như anh Tùng, khi chia sẻ câu chuyện không đốt vàng mã, không thả cá chép trong ngày Ông Táo lên mạng xã hội, chị Cao Thanh Thủy, 30 tuổi, làm kinh doanh ở Hà Nội nhận về nhiều ý kiến khen, chê. Dù vậy, đây là năm thứ tư chị làm vậy. "Tôi thấy đốt vàng mã chẳng khác gì đem tiền đi đốt, vừa lãng phí vừa ô nhiễm môi trường", Thủy chia sẻ.

Chịu ảnh hưởng của người bố từng xây nhà không xem tuổi, cưới hỏi không xem ngày, từ khi lập gia đình ba năm nay, Thanh Thủy cũng đơn giản hóa chuyện cúng bái. Tết ông Công ông Táo, chị làm mâm cỗ đẹp mắt dâng lên tổ tiên. Mâm cúng vừa với nhu cầu của gia đình trẻ, tránh tối đa ăn đi ăn lại, hoặc bỏ đi phí phạm.

"Khi làm như vậy trong lòng mình vui vẻ, gia đình an yên, căn bếp quanh năm ấm áp có người vợ đứng nấu, anh chồng chồng lăng xăng bên cạnh nhặt rau. Suy cho cùng, đó chẳng phải là cái đích đến mà ai cũng mong muốn hay sao?", Thủy nói.

Nhận xét về việc làm của một số gia đình này, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử Trần Đình Sơn cho biết, từ thời thượng cổ con người đã tôn thờ các hiện tượng tự nhiên như đất, nước, mặt trời... để cầu mong bình an. Dần dần, việc tôn thờ này trở thành tín ngưỡng dân gian thờ cúng các thần linh như ông Công, ông Táo, Thần Tài. Trong đó, ông Công, thần đất, là vị thần gần gũi nhất phù hộ cho gia đình. Ông Táo là vị thần chuyên quản việc nấu nướng, ăn uống.

Tết ông Công ông Táo đã có lịch sử mấy nghìn năm với mục đích sâu xa là nhắc nhở mọi người biết sống theo đúng luân thường, đạo lý. Tuy nhiên ngày nay cuộc sống hiện đại chuộng hình thức, khoe mẽ làm làm phai nhạt các giá trị truyền thống. Hàng năm đến dịp này lại dậy sóng việc đốt vàng mã tràn lan và phóng sinh bừa bãi.

Theo ông Sơn, hóa vàng và thả cá là hai tập tục dân gian đã có từ lâu. Người dân được hóa vàng theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên không nên hóa vàng theo kiểu đốt quá nhiều làm ô nhiễm môi trường. Riêng trong Phật giáo luôn căn dặn tín đồ không nên hóa vàng mã.

Quan niệm dân gian là thả cá chép cung cấp phương tiện cho ông Táo về trời. Còn thả cá trong nhà chùa là phóng sinh. Việc phóng sinh không có gì xấu nếu là cứu những con vật quý, các con vật sắp bị giết thịt về tự nhiên. Việc thả những loài vật, nhất là loài gây hại môi trường hoặc thả cá bừa bãi, xả rác ra môi trường là không đúng với quan điểm dân gian, cũng như nhà Phật.

 Một người dân hóa vàng mã dịp Tết ông Táo tại một khu đô thị ở quận Bắc Từ Liêm.
Một người dân hóa vàng mã dịp Tết ông Táo tại một khu đô thị ở quận Bắc Từ Liêm. (Ảnh: Phan Dương)

Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng giữ gìn truyền thống là việc nên làm. "Đằng sau thực hành thả cá chép, cúng ông Công ông Táo không phải đơn thuần thả một con cá hay đốt vàng mã. Nó còn rất ý nghĩa trong việc phát triển nhân cách, đạo đức của người Việt", ông nói.

Là một nhà nghiên cứu văn hóa, ông Sơn mong muốn người dân thực hành các nghi lễ truyền thống. "Tuy nhiên chúng ta cần hiểu cái cần gìn giữ là tinh thần, chứ không phải hình thức. Đốt vàng mã cũng chỉ là tượng trưng, là cách chúng ta liên hệ thần linh, là niềm tin vào may mắn, hay các giá trị khác; chứ không phải đốt vàng mã nhiều, thả cá chép to sẽ may mắn hơn người đốt ít, thả cá chép nhỏ", ông Sơn nói.

Vì thế người dân nên thực hành nghi lễ văn minh, đốt vàng mã giữ gìn vệ sinh, tránh cháy nổ. Thả cá sao cho cá phải sống, không bỏ túi nilon, rác, ảnh hưởng đến môi trường.

Theo ông Sơn, khi ta thực hành cũng giáo dục con người những giá trị đạo đức, văn hóa dân tộc, từ đó văn hóa được tiếp nối, hình thành nên sự tự tin, bản lĩnh của con người Việt Nam để hội nhập tốt hơn.

"Giá trị văn hóa dân tộc ẩn chứa sau những phong tục tập quán", Phó giáo sư Bùi Hoài Sơn khẳng định.

Cập nhật: 13/01/2023 VnExpress
  • 107