Xử trí đúng 'bệnh mùa xuân' ở trẻ

  •  
  • 280

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, bệnh mùa xuân ở trẻ (khi trời lạnh, độ ẩm cao, mưa phùn) chủ yếu là bệnh do siêu vi khuẩn.

Bệnh có nguyên nhân từ thời tiết là chính, phần lớn không nguy hiểm, nhưng thái độ xử lý của các bậc phụ huynh là yếu tố quyết định cho sức khỏe và thời gian lành bệnh của con em mình.

Không nên chườm lạnh

Khi trẻ bị sốt li bì, thở gắng sức, thở gấp, hóp bụng lại, cần đưa đến bệnh viện ngay để điều trị kịp thời (Ảnh: webtretho)
Mùa lạnh, các bệnh về đường hô hấp rất phổ biến, nhưng cần chú ý đến sốt do adeno virus bởi tính chất lây lan rất nhanh của bệnh. Khi adeno virus xâm nhập, trẻ bị sốt cao đột ngột, ho, viêm họng, viêm hạch góc hàm kèm theo đau mắt đỏ, sổ mũi.

Điều nguy hiểm là hiện nay vẫn còn khá phổ biến cách thức hạ nhiệt bằng... chườm đá lạnh. Khi sốt, mạch ngoại vi của cơ thể giãn ra để tỏa nhiệt, nên nếu chườm lạnh thì sẽ dồn mạch ngoại vi lại, nhiệt độ cơ thể càng tăng lên, trẻ sốt cao hơn.

Tốt nhất là chườm ấm cho trẻ (nước ở nhiệt độ 32-350C) vào nách, cổ, bẹn để hạ nhiệt vì đó là những bộ phận tập trung nhiều mạch máu lớn. Ngoài ra, có thể dùng cồn 70 độ tẩm bông xoa vào nách, cổ của trẻ để giảm nhiệt, hạ sốt. Việc chườm ấm và xoa cồn cho trẻ nên thực hiện ở khoảng thời gian vừa phải.

Trẻ bị bệnh, khả năng miễn dịch giảm, răng miệng không được vệ sinh đầy đủ, siêu vi trùng càng xâm nhập mạnh. Việc dùng khăn mềm nhúng nước sôi để lấy men, tưa từ miệng trẻ phải thực hiện trước khi cho trẻ ăn. Tuyệt đối không được vệ sinh răng miệng của trẻ ngay sau khi ăn, do cấu tạo dạ dày và thực quản của trẻ thẳng nên dễ bị nôn, chớ...

Không như người lớn có nhịp thở trung bình là 15 lần/phút, nhịp thở ở trẻ được phân ra theo nhóm tuổi. Trẻ sơ sinh 50-60 lần/phút, trẻ nhỏ 1-2 tuổi 40 lần/phút, trẻ lớn hơn 20 lần/phút. Đặt tay lên bụng trẻ và đếm tần số lên xuống, nếu nhịp thở của trẻ nhanh hơn so với lứa tuổi là dấu hiệu bất thường của bệnh. Cộng với hiện tượng trẻ sốt li bì, thở gắng sức, hóp bụng, thở rên thì cần đưa đến viện ngay.

Nguy cơ mắc bệnh thủy đậu cao

Mùa xuân cũng là thời điểm thủy đậu xuất hiện nhiều do virus gây bệnh sống trong thời tiết ẩm. Trẻ chưa tiêm phòng văcxin thủy đậu, chưa được miễn dịch, nguy cơ mắc bệnh rất cao. Bản thân bệnh lành tính, nhưng nếu để trẻ gãi nhiều do ngứa, những mụn nhỏ lan ra, bị vỡ sẽ để lại sẹo lõm khắp người, nhất là trên mặt rất khổ sở. Nguy hiểm hơn, từ dạng thủy đậu lành tính, virus gây bệnh có thể chạy vào máu gây viêm màng não, một số khác lại gây viêm mạc thần kinh zona, cơ thể trẻ mọc những mụn nhỏ gây đau đớn ở liên sườn.

Do đó, để phòng biến chứng, ngay khi trẻ lên những nốt mụn đầu tiên phải giữ gìn để không làm vỡ mụn. Nếu một vài mụn đầu tiên vỡ có thể dùng oxy già rửa vết loét. Dùng nước lá đắng để tắm rửa cho trẻ, bổ sung nước tránh tình trạng mất nước do vết loét quá nhiều. Khi trầy xước lan rộng thì cần phải đưa trẻ đến viện ngay.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cũng cảnh báo trong mùa xuân năm nay, Bệnh viện Nhi lại tiếp nhận không ít ca bệnh sởi ở trẻ lớp 1, lớp 2. Lý do là các bậc phụ huynh đã... quên không đưa trẻ đi tiêm phòng mũi nhắc lại. Tiêm phòng bệnh sởi gồm hai mũi: khi trẻ 9 tháng và 5 tuổi.        

NGỌC HÀ

Theo Tuổi trẻ Online
  • 280