Y tế thụ động trong phòng chống H5N1

  •  
  • 134

Đợi có ca nghi ngờ nhập viện, lấy mẫu xét nghiệm, điều trị và báo cáo là quy trình mà ngành y tế đang thực hiện. Quy trình này là quá thụ động, Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét tại cuộc họp bàn biện pháp phòng chống cúm gia cầm ngày 16/8 tại TP HCM.

Theo bà Tiến, với cách làm trên, ngành y tế cứ phải chạy theo dịch bệnh nên việc phòng chống chưa thật sự đạt hiệu quả. Và như vậy không phải là giám sát vì "giám sát là hành động".

Bà Tiến cũng cho rằng, ngành thú y không cởi mở khi hợp tác với ngành y tế trong việc chống dịch bệnh.

"Mỗi lần phía y tế hỏi các số liệu về dịch bệnh, phía thú y không chịu cung cấp. Lúc nào cũng nói rằng số liệu là bí mật không thể cho biết. Điều này gây khó khăn cho y tế khi tập hợp số liệu, tư liệu trong nghiên cứu giám sát dịch bệnh. Đến lúc thú y công bố số liệu thì dịch bệnh đã lan truyền rộng rãi", bà Tiến bức xúc. 

Tiêm ngừa gia cầm trước khi xuất bán. Ảnh tư liệu.

Tiêm phòng gia cầm trước khi xuất chuồng. Ảnh tư liệu.

Theo bà Tiến, y tế huyện, tỉnh phải có liên hệ trực tiếp với cán bộ thú y cơ sở mới có thể xử lý ngay, dập tắt ngay sự lây lan. Ngành y tế làm công tác giám sát nhưng luôn ở trong tình trạng... chờ báo cáo từ bệnh viện rồi mới tiến hành xem xét. Nếu cán bộ y tế đi đến tận xã, tận ấp để hiểu được thực tế và khả năng bị lây nhiễm bệnh của người dân thì cách phòng chống sẽ tích cực hơn.

Trong việc phòng chống cúm gia cầm, ngành thú y là gốc nhưng "cái gốc này không vững chắc" vì lực lượng tại cơ sở mỏng quá. Mỗi xã chỉ có một cán bộ thú y nên khi có dịch bệnh, người dân muốn báo cũng không biết báo cho ai; cán bộ thú y không phát hiện được, không giám sát kịp thời tại chỗ tại nơi có triệu chứng hoặc xảy ra dịch bệnh. Đây là nguyên nhân vì sao tuyến trên rất chặt chẽ nhưng việc phòng chống vẫn chưa thật sự hiệu quả. Ví dụ như năm 2005, tỉnh Bến Tre báo lên là có trường hợp nhiễm H5N1 nhưng không biết ở huyện nào xã nào...

Bà Tiến cho rằng, mỗi xã phải có ít nhất 5 cán bộ thú y và một lực lượng cộng tác viên khoảng 25 người mới có thể giám sát dịch bệnh tại các gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ một cách hiệu quả. Thực tế cho thấy, cho đến nay, các ca nhiễm virus H5N1 và tử vong là những người chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn các trại chăn nuôi tập trung chưa phát hiện ca nào.

Tuy nhiên, bác sĩ thú y Nguyễn Thúy Hồng thuộc Chi cục Thú y TP HCM lại cho rằng, việc giám sát của thú y viên chưa hiệu quả vì thiếu kinh phí cho vệ sinh môi trường, điều tra xử lý dịch... Nhiều thú y viên không được đào tạo bài bản. Tại một số tỉnh, cán bộ thú y cơ sở thuộc quyền quản lý của phòng nông nghiệp nên gặp khó khăn khi nhận chỉ đạo trực tiếp của ngành...

Do đó, có nhiều trường hợp cán bộ thú y làm sai nguyên tắc như: mới thấy có triệu chứng của dịch là vội vàng yêu cầu hủy đàn gia cầm; trong khi đáng lẽ phải lấy mẫu xét nghiệm, có kết quả rồi mới được khẳng định.

Hiện cúm gia cầm đã có mặt tại 59 quốc gia; 10 quốc gia có bệnh nhân với 263 trường hợp; 138 người tử vong. Riêng tại Việt Nam có 42 ca tử vong trên tổng số 93 ca nhiễm. Riêng trong năm nay, Việt Nam chỉ mới có 2 ca nghi nhiễm nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính với H5N1.

Các xét nghiệm huyết thanh học chưa phát hiện khả năng virus H5N1 lây từ người sang người. Xét nghiệm mẫu của tất cả cán bộ thú y tiêm chủng cho gia cầm cũng đều cho kết quả âm tính.

Việt Nam có 2 đề tài nghiên cứu điều chế văcxin phòng H5N1 ở người. Riêng đề tài nghiên cứu sản xuất văcxin bằng công nghệ nuôi trên tế bào vero do Viện Paster TP HCM thực hiện bước đầu đã cho kết quả khả quan.

Mỹ Lan

Theo Vnexpress
  • 134