Bão Parma diễn biến phức tạp

  •  
  • 194

"Khả năng xấu nhất là bão đi vào quần đảo Hoàng Sa, nơi có nhiều tàu thuyền đánh cá. Khả năng thứ hai là bão đi về phía nam, men theo phía tây đảo Luzon, Philippines", ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn trung ương cho biết, sáng nay.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, sau khi đi vào biển Đông, Parma đi rất chậm và suốt 6 giờ qua hầu như không di chuyển. 10h sáng nay, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 830 km, cường độ giảm xuống, đạt cấp 10-11. 

Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão Parma. (Ảnh: NCHMF)

Dự báo trong ngày 5/10, bão đi chậm theo hướng giữa tây và tây tây nam, tốc độ 3-5 km mỗi giờ.

Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn cho biết, do sự tương tác với siêu bão Melor mạnh cấp 17 đang ở ngoài khơi phía đông của Philippines nên diễn biến của bão Parma còn thay đổi.

"Có hai khả năng, xấu nhất là bão đi vào quần đảo Hoàng Sa, nơi có nhiều tàu đánh cá. Do vùng biển này thoáng, nhiệt độ nước biển cao (28 độ C) nên rất có thể bão mạnh trở lại cấp 12. Khả năng ít xấu hơn là bão đi về phía nam, men theo phía tây của đảo Luzon, Philippines", ông nói. 

Ông Hải cũng cảnh báo, năm nay do chịu tác động của El Nino, bão có xu hướng mạnh lên. Điển hình như bão Ketsana (bão số 9) mạnh cấp 17, cấp cao nhất trong bảng phân loại cấp gió Beaufort. Khi tràn qua Philippines, dù đã giảm còn cấp 13-14, nhưng vẫn khiến gần 300 người chết. Khi vào Việt Nam, cơn bão này đạt cấp 13.

Cơn bão Parma lúc mạnh nhất cũng đạt cấp 17, nhưng qua 7-8 ngày di chuyển, chịu sự ma sát khi vượt qua đất liền Philippines và đi vào vùng biển nhiệt độ thấp nên bão đã giảm cường độ. Dự báo, từ nay đến cuối năm, Việt Nam chịu tác động của 2 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới. 

Parma chịu sự tương tác với Melor nên đường đi và cường độ còn có sự thay đổi. (Ảnh: Đài TSR của ĐH London)

Ngày 4/10, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn yều cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các bộ, ngành thông báo cho chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

Trước đó, chiều 3/10, bão Parma tràn vào miền bắc Philippines gây lở đất, ngập lụt, đã có ít nhất 16 người chết. Bão Parma tràn vào Philippines chỉ 8 ngày sau khi bão Ketsana tấn công Manila và 25 tỉnh khác, gây nên trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ và giết chết ít nhất 288 người.

Theo Hồng Khánh - Vnexpress
  • 194