Bí mật 'tay trái' của ốc biển

  •  
  • 1.083

Ốc tay trái (bên trái) dường như có lợi thế sinh tồn nhiều hơn so với ốc tay phải, bởi cua không thể thò càng vào bắt chúng. (Ảnh: BBC)
Những con ốc với vỏ sò cuộn về bên trái có lợi thế sinh tồn lớn, bởi kẻ thù phải bó tay trong việc ăn thịt chúng.

Kết luận được các nhà khoa học Mỹ công bố trên tạp chí Biology Letters của Hiệp hội Hoàng gia. Để phân biệt vỏ sò tay trái hay tay phải, bạn hãy cầm nó trong tay và hướng đầu nhọn về phía trước, phần miệng ốc hướng về phía bạn. Nếu cái miệng mở ra ở bên phải, đó là vỏ sò tay phải và ngược lại, nếu miệng mở về bên trái, đó là vỏ sò tay trái.

Các nhà khoa học kiểm tra vỏ của những con ốc xoắn (loài ốc biển có vỏ giống như ốc sên) và ốc nón vốn là con mồi của loài cua Calappa flammea. Họ phát hiện thấy cua không thể mở được những vỏ ốc có chiều xoắn sang bên trái vì nó chỉ có một công cụ để bật nắp nằm trên càng bên phải, nên cua bỏ qua những con ốc này.

"Cua có một công cụ đặc biệt trên càng, thứ dụng cụ được sử dụng như cái mở nắp lon. Vì thế, hãy hình dung việc dùng một cái mở nắp lon cho người thuận tay phải bằng tay trái - bạn sẽ thấy thật khó khăn để làm điều đó", Gregory Dietl từ Đại học Yale cho biết.

Cua Calappa flammea

Dietl và cộng sự đã nghiên cứu 11 cặp vỏ của loài ốc xoắn và ốc nón có niên đại từ 1,5 đến 2,5 triệu năm trước đây cùng với những loài tồn tại ngày nay, ở cả hai dạng tay trái và tay phải.

10 trong số 11 cặp cho thấy có nhiều vết sẹo trên vỏ tay phải, chứng tỏ những con cua đã tấn công chúng nhiều hơn so với đồng loại tay trái.

Thông thường, con cua sẽ ghì chặt lấy vỏ ốc sao cho đầu nhọn hướng ra xa cơ thể nó. Với những chiếc vỏ tay phải, điều đó có nghĩa là việc mở nắp ốc xảy ra ở bên phải, và công cụ đặc biệt trên càng cua có thể tấn công vào trong. Nhưng với một con ốc tay trái, hoặc là cua sẽ phải mở nắp ở bên trái, hoặc nó phải ghì lấy con mồi ở tư thế đầu nhọn vỏ ốc hướng vào cơ thể. Cả hai giải pháp này dường như quá rắc rối, và chú cua sẽ hành động giống như người ăn chay đi vào quầy của anh hàng thịt, và bỏ đi.

Nghi vấn tiến hoá ở đây là tại sao dạng ốc tay trái lại vẫn hiếm hoi đến thế - một số thậm chí đã tuyệt chủng - nếu như lợi thế đó giúp chúng thoát khỏi nanh vuốt cua dễ dàng hơn.

Có lẽ nếu nhóm ốc biển tay trái trở nên phổ biến hơn, những con cua sẽ tiến hoá cấu tạo cơ thể hoặc kỹ thuật săn mồi, và lợi thế của ốc tay trái sẽ biến mất.

T. An

Theo VnExpress/BBC
  • 1.083