Các bệnh nha chu ở trẻ em

  •  
  • 1.560

Nha chu gồm các thành phần là nướu, xương ổ răng, xê măng và dây chằng nha chu.

Viêm nướu

Điều trị chủ yếu là vệ sinh răng miệng đúng cách (đánh răng bằng bàn chải và bằng chỉ nha khoa) có thể giải quyết tốt bệnh.
Điều trị chủ yếu là vệ sinh răng miệng đúng cách (đánh răng bằng bàn chải và bằng chỉ nha khoa) có thể giải quyết tốt bệnh (Ảnh: lanelabs)
Vệ sinh răng miệng kém dẫn đến tích tụ nhiều mảng bám trên bề mặt răng gây ra phản ứng viêm, có biểu hiện khu trú hay lan rộng, đỏ và sưng ở nướu. Trường hợp nặng, nướu bị xuất huyết tự nhiên và miệng có mùi hôi.

Điều trị chủ yếu là vệ sinh răng miệng đúng cách (đánh răng bằng bàn chải và bằng chỉ nha khoa) có thể giải quyết tốt bệnh. Viêm nướu ở trẻ em khỗe mạnh ở độ tuổi trước dậy thì không có xu hướng tiến triển thành viêm nha chu (viêm dây chằng nha chu dẫn đến tiêu hút xương ổ răng).

Khi viêm nướu không được giải quyết tốt bằng vệ sinh răng miệng, cần nghĩ đến bệnh cảnh viêm nướu thuộc các bệnh lý khác (ung thư máu, đái tháo đường, bệnh giảm bạch cầu trung tính, bệnh thiếu vitamin C, hay các bệnh lý rối loạn hormon liên quan đến tuổi dậy thì hoặc khi có thai, dùng thuốc chống động kinh và thuốc chống thải tạng ghép).

Viêm nha chu trước tuổi dậy thì

Viêm nha chu ở trẻ trước tuổi dậy thì có thể dẫn đến mất các răng sữa trước khi phát triển đầy đủ, thường có kèm các bệnh lý toàn thân như bệnh giảm bạch cầu trung tính, bệnh bạch cầu dính hay không di chuyển được, bệnh giảm men phosphatase, hội chứng Papillon Lefèvre và bệnh histiocytosis liên kết X. Tuy vậy, có nhiều trường hợp bệnh nhi có bệnh lý toàn thân. Điều trị bệnh bao gồm việc làm sạch răng bởi nha sĩ, có thể phải nhổ răng bệnh hoặc sử dụng kháng sinh.

Viêm nha chu tuổi trẻ khu trú

Viêm nha chu tuổi trẻ khu trú có đặc điểm lâm sàng là mất xương ổ răng nhanh chóng, nhất là ở vùng quanh các răng cửa và răng cối lớn 1 vĩnh viễn. Bệnh thường đi kèm nhiễm khuẩn Actinobacillus. Ngoài ra, bạch cầu của người bệnh viêm nha chu tuổi trẻ khu trú thường mất tính năng hóa hướng động và thực bào.

Nếu không được điều trị, răng bệnh sẽ mất dây chằng và rụng ra. Điều trị bệnh phụ thuộc vào mức độ diễn biến bệnh. Bệnh nhi được chẩn đoán bệnh sớm ngay khi phát bệnh thường được xử trí làm sạch mô chết tại chỗ, kết hợp kháng sinh và vệ sinh răng miệng một cách tỉ mỉ. Trường hợp bệnh đã có diễn biến lan rộng với tiêu xương ổ răng ở thời điểm phát hiện bệnh, cần điều trị nha chu toàn bộ, có thể ghép xương ổ răng tự thân. Tiên lượng bệnh phụ thuộc vào mức độ bệnh lúc phát hiện và sự tuân thủ phác đồ điều trị.

Quá trình mọc răng

Quá trình mọc răng có thể gây ra sự khó chịu tại các vị trí mọc răng sữa như làm trẻ bức rứt, sốt nhẹ, tiết nhiều nước bọt; song nhiều trẻ không có biểu hiện khó chịu khi mọc răng. Điều trị triệu chứng bao gồm việc cho trẻ nhai vòng lạnh và dùng thuốc hạ nhiệt, giảm đau. Các triệu chứng tương tự như trên cũng có thể xảy ra khi mọc răng cối lớn 1 vĩnh viễn lúc trẻ 6 tuổi.

Tăng sản nướu do cyclosporine hay phenytoin

Khi dùng thuốc cyclosporine chống thải tạng ghép, hay thuốc phenytoin chống động kinh và một số thuốc chẹn kênh canxi có thể gây ra tăng sản toàn bộ nướu. Phenytoin và các chất chuyển hóa của chúng có tác dụng kích thích trực tiếp lên các nguyên bào sợi ở nướu, dẫn đến tăng tổng hợp collagen. Các nghiên cứu trên lâm sàng chứng minh rằng phenytoin gây tăng sản nướu ít hơn ở bệnh nhân có vệ sinh răng miệng tỉ mỉ.

Tăng sản nướu chiếm tỉ lệ khoảng 10-30% ở các bệnh nhân dùng phenytoin. Các dấu hiệu nặng như (1) phì đại nướu, đôi khi phủ lấp cả các răng, (2) sưng đỏ nướu, (3) có nhiễm trùng thứ phát, dẫn đến hình thành áp xe, (4) xê dịch vị trí các răng, và (5) cản trở sự mọc răng sữa và ảnh hưởng đến các răng vĩnh viễn. Điều trị bệnh chủ yếu là dự phòng, nếu có thể thì cho ngưng dùng thuốc kết hợp với chế độ khám miệng thường xuyên và chăm sóc vệ sinh răng miệng. Các trường hợp tăng sản nướu nặng cần can thiệp phẫu thuật cắt bỏ nướu, song bệnh có thể tái phát nếu có tiếp tục dùng thuốc.

Viêm quanh thân răng cấp

Tình trạng viêm cấp phần nướu phủ ở phía trên thân răng đang mọc thường xảy ra ở các răng cối lớn vĩnh viễn hàm dưới. Sự tích tụ mô chết và vi khuẩn ở khe nướu tạo điều kiện cho phản ứng viêm. Một bệnh cảnh tương tự là áp xe nướu với ổ vi khuẩn bị lưu giữ lại xảy ra do khâu chỉnh hình nha hay các mão phục hình. Cứng hàm và đau dữ dội có thể xảy ra khi có viêm. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến tình trạng viêm vùng mặt và viêm mô tế bào vùng mặt.

Điều trị chủ yếu là can thiệp tại chỗ lấy mô chết, tưới rửa bằng nước muối ấm và dùng kháng sinh. Khi tình trạng viêm cấp đã qua, tiến hành nhổ răng hoặc cắt bỏ nướu để ngăn bệnh tái phát. Phát hiện sớm nguy cơ ở răng cối lớn hàm dưới và nhổ bỏ răng này có thể phòng tránh được bệnh viêm quanh thân răng nơi đây.

Viêm loét hoại tử nướu cấp

Viêm loét hoại tử nướu cấp, còn được gọi là bệnh viêm miệng Vincent hay bệnh miệng chiến hào (bệnh của chiến binh bị stress khi sống trong chiến hào), là loại bệnh nha chu có các xoắn khuẩn và thoi khuẩn ở trong miệng. Tuy vậy, không rõ là các vi khuẩn này gây ra bệnh hay xuất hiện thứ phát. Viêm loét hoại tử nướu cấp xảy ra chủ yếu ở thanh niên và người trưởng thành. Bệnh hiếm khi xảy ra ở trẻ em khỏe mạnh ở các nước phát triển. Bệnh thường gặp ở trẻ em ở vùng Nam Ấn Độ và một số nước ở Châu Phi, đây là các trẻ em bị suy dinh dưỡng. Ở các bệnh nhi này, sang thương có thể lan rộng đến các mô kế cận gây hoại tử mô vùng mặt (miệng hoại thư hay loét miệng).

Các biểu hiện lâm sàng của viêm loét hoại tử nướu bao gồm: (1) hoại tử và loét mô nướu ở giữa các răng, (2) có màng giả ở mặt trên sang thương, (3) hôi miệng, (4) sưng hạch cổ, (5) mệt mỏi và (6) sốt. Có thể nhầm lẫn bệnh này với bệnh viêm miệng-nướu do herpes. Quan sát mô bệnh phẩm viêm loét hoại tử nướu cấp dưới kính hiển vi nền đen có thể nhận ra các xoắn khuẩn.

Điều trị bệnh viêm loét hoại tử nướu cấp được chia làm 2 thì; thì 1 sử dụng kháng sinh (penicillin hay erythromycin), làm sạch mô chết tại chỗ, dùng nước oxy già (bôi tại chỗ carbamide peroxide 10% ở dạng glycerol), và dùng thuốc giảm đau. Bệnh lui nhanh sau 48 giờ điều trị. Thì 2 cần tiến hành nếu sau thì 1 bệnh lui nhưng để lại tổn thương không hồi phục ở mô nha chu.

BS. PHẠM HỒNG ĐỨC

Theo Báo Sức khoẻ & Đời sống, TTO
  • 1.560