Khi bị bỏng hoặc đứt tay, lấy lá cây sống đời giã nát rồi đắp lên vết thương hoặc dùng lá lô hội xoa làm dịu đau rát.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Thị Đẹp, Khoa Dược, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết một số loại cây cảnh lành tính có thể trồng trong gia đình vừa để làm đẹp không gian vừa có tác dụng chữa bệnh, như sau:
Lô hội tên khoa học là Aloe vera L. Nhựa và lá cây có vị đắng, tính hàn, có tác dụng tiêu viêm, nhuận trường, diệt ký sinh trùng. Loại cây này dễ trồng, dễ chăm sóc. Trong Đông y, nhựa lô hội thường dùng để trị kinh bế, kinh nguyệt ít, táo bón, đại tiện bí, sung huyết não, kinh phong. Người ta cũng dùng cả lá lẫn vỏ cây giã nhuyễn đắp lên da để trị mụn nhọt sưng đỏ. Có thể dùng 10-15 g lá, 1,5-3 g nhựa dưới dạng viên hoặc nghiền thành bột đắp tại chỗ trị đau đầu, chóng mặt, táo bón, trẻ co giật, suy dinh dưỡng, ho gà, sâu răng, viêm mủ da, Eczema.
Lô hội (nha đam). (Ảnh: News).
Trong dược học, lô hội cũng được dùng để giải độc cơ thể: Lignin trong lô hội có tác dụng như một chất xơ cuốn sạch các chất thải bị kẹt trong các nếp gấp của ruột; uronic axit loại trừ chất độc trong tế bào; kali cải thiện chức năng gan và thận là hai cơ quan chủ yếu của việc loại trừ chất độc trong cơ thể. Đặc biệt, loài thực vật này có tác dụng trị vết cháy và bỏng rất nhanh. Dùng lá cây lô hội chiết dịch xoa tại chỗ hoặc lấy một lá (15-18 cm) đun sôi với nước, cho thêm đường vào uống để làm dịu đau rát và giúp vết thương mau lành. Người bị yếu dạ dày, ruột và phụ nữ có thai không nên dùng.
Người bị viêm loét dạ dày có thể uống gel lô hội tươi, cách vài giờ uống một muỗng canh lúc đói làm êm dịu vết loét dạ dày; còn có tác dụng chống viêm nhiễm, dị ứng hay trị vết sưng do côn trùng cắn. Lô hội làm lành hầu hết các loại vết thương giúp giảm đau do viêm khớp, cân bằng đường huyết, phòng ngừa sỏi niệu, giảm đau cơ nhờ vào các anthraquinon phối hợp với canxi trong đường tiểu thành hợp chất tan được để tống ra ngoài theo nước tiểu.
Hoa hồng có vị ngọt, tính ấm có tác dụng hoạt huyết, điều kinh, tiêu viêm, tiêu sưng. Người ta dùng 2-10 g hoa hãm uống hoặc tán bột uống để chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, đinh nhọt, viêm mủ da, bệnh bạch hầu lao cổ. Bột hoa còn có tác dụng cầm máu, chữa băng huyết, đi cầu lỏng. Dùng cẩn thận trong trường hợp tiêu hóa khó khăn, không dùng cho phụ nữ có thai.
Dùng10-15 g rễ hoa hồng dạng thuốc sắc giúp chữa đòn ngã tổn thương, bạch đới, di tinh; đồng thời dùng hoa tươi và lá đắp ngoài. Lá cây còn dùng chữa bạch cầu lao. Lá, trái hồng sắc uống trị thấp khớp, nhọt, đái dầm, đái máu, tê thấp. Nụ hoa trị kinh nguyệt đau, tuần hoàn yếu, đau bao tử.
Hoa sống đời. (Ảnh: phatgiao).
Sống đời còn gọi là cây thuốc bỏng, lạc địa sinh căn, thổ tam thất, trường sinh, tên khoa học là Kalanchoe pinnata (Lam.) Pers. Toàn thân cây có vị nhạt, chát, hơi chua, tính mát, có tác dụng giải độc, tiêu thũng, hoạt huyết chỉ thống, bạt độc sinh cơ.
Ngọn và lá sống đời non có thể thái nhỏ nấu canh ăn và dùng làm thuốc giải độc, chữa bỏng, đắp vết thương, đắp mắt đỏ sưng đau, đắp mụn nhọt và cầm máu. Do có tác dụng kháng khuẩn nên sống đời còn được dùng trị một số bệnh đường ruột và bệnh nhiễm trùng khác như viêm loét dạ dày, viêm ruột, trĩ nội, đi ngoài ra máu.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá cây này đắp trị bỏng, vết thương, mụn nhọt và các vết cắn đốt của côn trùng. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng chữa ung sang thũng độc, viêm tuyến vú, đan độc, ngoại thương xuất huyết, đòn ngã, tổn thương, gãy xương, bỏng, viêm tai giữa.
Cách dùng: Lá tươi giã nát đắp hoặc vắt lấy nước bôi hàng ngày. Có thể dùng lá tươi 40 g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước hoặc hòa với nước chín rồi lọc lấy nước cốt để uống. Ngoài ra lá tươi giã nát vắt lấy nước, nhỏ vào tai chữa được bệnh viêm tai giữa cấp tính. Cũng nước lá tươi, thêm rượu và đường uống chữa bị ngã, bị thương thổ huyết.
Hoa này có tên khác là ngọc lan hoa vàng, sứ hoa vàng hay hoàng lan, tên khoa học là Michelia champaca L. Hoa chứa tinh dầu có giá trị ngang với tinh dầu hoa hồng. Lá cũng chứa tinh dầu. Vỏ chứa một alcaloid ít độc.
Ngọc lan.
Rễ và quả cây có vị đắng tính mát có tác dụng khư phong thấp, lợi hầu họng, kiện vị chỉ thống. Rễ khô và vỏ rễ có tính xổ, điều kinh. Vỏ thân có tác dụng giải nhiệt, hưng phấn, khư đàm, thu liềm. Hoa và quả có tác dụng làm phấn chấn, trấn kinh, khư phong, kiên vị, lợi niệu. Lá có tác dụng giải độc.
Vỏ cây ngọc lan làm thuốc trị sốt, ho, điều kinh, có thể dùng làm thuốc trị sốt rét cách nhật. Rễ khô và vỏ rễ dùng tươi dạng thuốc hãm làm thuốc uống để điều kinh và dùng sắc rồi thêm sữa đông đắp trị áp xe. Hoa và quả chữa đầy hơi, buồn nôn và sốt lại có tác dụng lợi tiểu. Dùng như thuốc lợi tiểu trong chứng đau thận và trong bệnh lậu phối hợp với dầu vừng làm thuốc đắp ngoài trị chóng mặt. Hạt và quả dùng trị nứt nẻ ở chân, hạt cũng dùng làm thuốc trị giun.
Ở Malaysia và Philippines, người ta dùng thịt quả trộn với các loại thuốc khác trị bệnh phong thấp đau nhức. Tại Vân Nam (Trung Quốc), rễ và quả được làm trị hóc xương, phong thấp, đau dạ dày. Lá dùng súc miệng làm thuốc trị đau yết hầu. Ở Thái Lan dùng lá trị rối loạn thần kinh. Người Ấn Độ dùng dịch lá trộn lẫn mật ong dùng trị đau bụng. Tinh dầu được dùng làm hương liệu, làm thuốc đắp trị đau đầu, viêm mắt và thống phong.
Tầm xuân. (Ảnh: News).
Hoa này còn có tên khác là hồng choắt, hồng roi, tên khoa học là Rosa cymosa Tratt. Quả được dùng trị ho. Rễ, lá non dùng trị phong thấp, đòn ngã tổn thương, chữa kinh nguyệt không đều, sa tử cung, trĩ lở, thoát giang, lở độc và ngoại thương xuất huyết, rễ điều hòa kinh nguyệt, hạ lipid máu. Hoa tầm xuân cũng dùng trị kinh nguyệt quá nhiều, di tinh, đòn ngã tổn thương, lở miệng và đau răng, làm tóc đen trở lại.
Cây này còn gọi là hòe hoa, hòe mễ, lài luồng (Tày), tên khoa học là Sophora japonica L. Hoa hòe có màu vàng, vị hơi đắng, dài 0,5-0,8 cm, rộng 0,2-0,3 cm, cánh hoa vàng nâu, đài hoa vàng xám. Nụ hòe có thể dùng sống hoặc sao cháy. Các bộ phận khác cũng có thể dùng làm thuốc như hòe đã nở, quả, lá đã được phơi hoặc sấy khô. Lá có thể dùng tươi.
Hoa hòe.
Nụ hoa đã phơi hoặc sấy nhẹ đến khô dùng làm dược liệu có tên khoa học là Flos Styphnolobii japonici imaturi. Nụ hòe có vị đắng nhạt, mùi thơm, tính bình; quả hòe có vị đắng, tính mát, đều có tác dụng hạ nhiệt, mát huyết, cầm máu, làm sáng mắt, bổ não. Ngày nay người ta còn biết thêm các tác dụng làm giảm tính thẩm thấu của mao quản, kháng chiếu xạ, hạ huyết áp.
Ngoài ra, hoa hòe có tác dụng lượng huyết, tăng cường sức đề kháng, giảm tính thẩm thấu của mao mạch, hồi phục tính thẩm thấu của mao mạch đã bị tổn thương. Thêm vào đó là tác dụng chống viêm, bảo vệ cơ thể chống chiếu xạ, hạ huyết áp, hạ cholesterol máu, cầm máu, chống kết tập tiểu cầu, quercetin làm giãn mạch vành, cải thiện tuần hoàn tim.
Theo y học hiện đại, nụ hòe và rutin được dùng làm thuốc cầm máu trong các trường hợp xuất huyết, đề phòng tai biến do xơ vữa mạch máu, tổn thương mao mạch, xuất huyết dưới da, xuất huyết có liên quan đến xơ vữa động mạch, xuất huyết võng mạc, tăng huyết áp.
Theo y học cổ truyền, hòe điều trị trường phong tiện huyết (đi ngoài ra máu tích phong nhiệt), niệu huyết, huyết lãm, băng lậu, trĩ ra máu, chảy máu cam, nôn ra máu, tăng huyết áp.
Hoa thược dược. (Ảnh: News).
Cây này còn gọi là thổ thược dược, đại lệ cúc, tên khoa học là Dahlia pinnata Cav. Rễ thược dược có vị đắng, tính mát có tác dụng tiêu viêm, chỉ thống nên dùng làm thuốc tiêu viêm, đau. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ trị đau răng, viêm tuyến mang tai, vô danh thũng độc.
Mẫu đơn còn gọi là bạch thược cao, mộc thược có tên khoa học là Paeonia suffruticosa Andr. Vỏ và rễ cây có vị đắng, cay, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, hoạt huyết tán ứ, tán độc phá ban.
Hoa mẫu đơn. (Ảnh: TN).
Vỏ thân được dùng làm thuốc đau đầu, đau khớp, thổ huyết, khạc ra máu, đái ra máu, kinh bế, đau bụng kinh, mụn nhọt, lở độc và đòn ngã tổn thương. Vỏ là mẫu đơn bì, lợi kinh, lợi tiểu, tốt máu, kháng sinh, chống viêm, hạ hạt thần kinh trung khu, giảm đau, trị kinh phong, hạ nhiệt; chứa acetophenon đè nén sự quyến tụ của phiến bào, nên chống viêm, chống nhiệt.
Loài này còn gọi là cây gỏi cá, tên khoa học là Polyscias fluticosa (L.) Harms. Rễ cây có vị ngọt, lá vị nhạt, hơi đắng, tính bình có tác dụng bổ năm tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm.
Đinh lăng dùng làm thuốc tăng lực, giúp tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với các yếu tố bất lợi như kiệt sức, gia tốc, nóng. Người ta còn dùng cây này làm cho nhịp tim sớm trở lại bình thường sau khi chạy dai sức và giúp cơ thể chịu được sức nóng. Người bệnh bị suy mòn uống đinh lăng chóng phục hồi cơ thể, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân. Nó cũng làm tử cung co bóp mạnh hơn. Đinh lăng ít độc hơn nhân sâm và khác với nhân sâm, nó không làm tăng huyết áp.
Đinh lăng. (Ảnh: idpkids).
Đinh lăng thường được sử dụng như một loại thuốc bổ, chữa cơ thể suy nhược, gầy yếu mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, ho ra máu, đau tử cung, kiết lỵ, thuốc lợi tiểu, chống độc. Lá cây còn chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương. Thân và cành chữa thấp khớp đau lưng. Ở Ấn Độ, người ta cho là cây có tính làm se, dùng trong điều trị sốt.
Cách dùng: Thường sử dụng ở dạng bột, ngày dùng 2 g trở lên. Cũng có thể thái miếng phơi khô, ngày dùng 1-6 g dạng thuốc sắc. Lá đem phơi khô lót gối hoặc trải giường cho trẻ em nằm để phòng bệnh kinh giật. Phụ nữ sau khi sinh uống nước sắc lá khô giúp cơ thể nhẹ nhõm, khỏe mạnh có nhiều sữa. Lá tươi 50-100 g băm nhỏ dùng với bong bóng lợn trộn với gạo nếp nấu cháo ăn cũng lợi sữa.
Ở Campuchia, người ta còn dùng lá phối hợp với các loại thuốc khác làm bột hạ nhiệt và thuốc giảm đau. Lá dùng xông làm ra mồ hôi và chứng chóng mặt. Lá tươi giã nát đắp ngoài trị viêm thần kinh và thấp khớp và các vết thương. Lá nhai nuốt nước với một chút phèn trị hóc xương cá. Vỏ cây nghiền thành bột làm thuốc uống hạ nhiệt.
Ở nhiều quốc gia, người dân thường dùng quả và lá khế chế biến món ăn hoặc ăn sống vừa ngon lại vừa có lợi cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, ăn một quả khế mỗi ngày sẽ cung cấp 1/3 lượng vitammin C cần thiết cho cơ thể. Loại trái này còn có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, giảm đau, hạ sốt. Đặc biệt trong mùa hè, uống nước ép khế giúp giải khát tốt đồng thời chữa sưng lợi, hết lở miệng.
Khế có thể chữa được nhiều bệnh. (Ảnh: News).
Một số bài thuốc hay:
1. Bị sưng đau: Lấy lá khế tươi, giã nát đắp lên vết thương. Nếu bị nổi mề đay, lấy lá khế tươi rang để xát lên sẽ làm cho các vết mề đay lặn dần.
2. Ho khan, có đàm: Lấy ít hoa khế, phơi cho héo, tẩm nước gừng đặc rồi sao lên cho vào lọ thủy tinh để dành. Mỗi ngày lấy một ít hoa khế đã sao pha với nước nóng uống như trà.
3. Cảm nắng: 20 g lá khế tươi và 10 g lá chanh cho vào cối giã nát, lọc lấy nước cốt uống.
4. Đau bụng, tiêu chảy: Ăn quả khế ngâm với đường sẽ giúp giảm triệu chứng.
5. Sinh tố giải nhiệt: 50 g thịt quả khế xắt miếng, 1,5 muỗng cà phê nước cốt chanh, một muỗng canh đường đỏ, ít muối, nước sôi để nguội, đá viên. Cho tất cả vào máy xay cho nhuyễn rồi trút ra ly uống. Món sinh tố này đúng nghĩa "ngon, bổ, rẻ" lại giúp giải nhiệt.