Chú cá này lại có thể vượt qua bài test nhận thức đến chó meo cũng bó tay

  •  
  • 806

Không những chó mèo, mà cả bạch tuộc - một sinh vật cũng rất thông mình cũng không làm được. Đến cả con người cũng có trường hợp gặp rắc rối.

Các boss chó và mèo dù không phải những loài thông minh xuất chúng, nhưng cũng được xem là những sinh vật có khả năng tư duy tốt. Thế nhưng có một loài cá bé nhỏ ngoài đại dương kia, cái lũ được xem là "não cá" lại có thể vượt mặt 2 boss ở một bài test về nhận thức. Đó là khả năng nhận biết bản thân trong gương.

Đây là một bài test kinh điển được đưa ra vào thập kỷ 70 bởi tiến sĩ tâm lý Gordon Gallup. Gallup đã cho một nhóm tinh tinh chưa từng soi gương một chiếc gương bạc. Và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, hành động của chúng đã thay đổi: chúng nhận ra bản thân trong gương, và sử dụng hình chiếu ấy để chải thuốt và tự khám phá bản thân mình.


Voi là một trong những loài vật hiếm hoi có khả năng tự cảm nhận mình trong gương.

Trên thực tế, không nhiều loài vật trên thế giới này có khả năng làm được điều đó. Không tính đến tinh tinh thì chỉ có cá heo, voi, quạ, chim bồ câu và một vài loài khỉ thôi.

Ngoài ra, một số ứng viên vẫn còn đang gây tranh cãi, như kiến và cá đuối, bởi chúng không có khả năng tư duy.


Tinh tinh và khỉ đột cũng có thể nhận thức được điều đó

Và nay, các chuyên gia từ Nhật Bản, Đức và Thụy Sĩ đã hợp tác để xem liệu họ có tìm ra các bằng chứng cho thấy một loài vật có khả năng tự cảm nhận bản thân trong gương, dù trí tuệ của chúng không hề cao.

Nói thì dễ, làm mới khó. Lý do là vì chúng ta không có mẫu số chung cho phản ứng của các loài động vật khi chúng thấy bản thân trong gương.

Lấy ví dụ ở con người, nếu thấy vết mực trên trán, bạn sẽ đưa tay quệt nó đi. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn - hay con người nói chung, có khả năng nhìn được bản thân trong gương. Và để làm được điều đó, bạn phải có thị giác của một con người, và khả năng nhận biết rằng dấu mực ấy là bất thường để chùi nó đi.

Còn ở các loài khác thì sao? Nhóm chuyên gia quyết định thực hiện thí nghiệm với loài cá cleaner wrasse (cá dọn vệ sinh sọc lam - Labroides dimidatus). Đây vốn là một ứng viên có khả năng tự nhận thức về bản thân, bởi chúng có thị giác tốt, có khả năng xác nhận được kí sinh trùng trên cơ thể cá khác, và xử lý chúng.

Nhóm nghiên cứu tin rằng loài cá này làm được. Họ đặt 10 con cá vào trong bể, cùng 1 tấm gương. Thoạt đầu, chúng phản ứng như bất kỳ sinh vật nào khác: tấn công, vì nhầm tưởng hình ảnh trong gương là đối thủ cạnh tranh.


Và đây chính là nhân vật mới nhất có khả năng này.

Nhưng rồi dần dần, chúng bắt đầu hòa nhã hơn. Chỉ trong vòng vài ngày, chúng bắt đầu... nhảy múa - một hành động khá bất thường với loài vật này. Bước tiếp theo của thí nghiệm, họ dùng gel màu bôi lên đầu của 8 con, ở vị trí sao cho chúng chỉ có thể thấy khi nhìn vào gương.

Và kết quả là gì? Chỉ 1 con trong số đó cần nhiều thời gian để xác định được vị trí gel màu. Số khác cọ đầu vào các vật dụng xung quanh, với thời gian lâu hơn bình thường.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình. Một số khác cho rằng chúng chỉ nhầm lẫn đó là ký sinh trùng trên da của cá khác, chứ không phải bản thân mình.

Dù vậy, nghiên cứu này có ý nghĩa khá quan trọng. Nếu như các loài vật với hệ thần kinh rất đơn giản - như cá đuối, cá dọn bể, thậm chí là... kiến - vẫn có thể tự nhận ra bản thân trong gương, thì chúng ta cần đến một tiêu chuẩn khác để đánh giá về mức độ thông minh của các loài vật.

Lý do là bởi ngay cả những sinh vật được xem là có khả năng tư duy - như chó, mèo, bạch tuộc... đều không vượt qua được bài test này. Thậm chí, con người cũng có những trường hợp gặp rắc rối, cho đến khi được 6 tuổi.

Cập nhật: 01/09/2018 Theo Helino
  • 806