Con người khôn hơn hay "khờ" đi?

  •  
  • 3.952

Câu hỏi được đặt ra như vậy là bởi quan niệm thông thường cho rằng trí thông minh tỷ lệ thuận với kích cỡ của… đầu.

Có nghĩa là, bộ óc càng lớn con người càng khôn ngoan. Sự thực đến đâu chưa rõ, nhưng những nghiên cứu đã cho thấy não bộ con người đang bị "teo" dần qua hàng vạn năm.

Ngốc hơn trong quá trình tiến hóa?

Theo BBC News, dù chúng ta chẳng dễ gì chấp nhận sự thật này, nhưng nó dường như cũng có ý nghĩa rằng loài người đang ngày càng kém thông minh hơn, theo logic thông thường và không theo nguyên tắc khoa học nào.

Báo cáo mới đây đăng trên tạp chí khoa học Discover (Mỹ) cho thấy, trong hơn 20.000 năm qua, não bộ của chúng ta nhỏ dần đi.

Sự giảm cỡ hộp sọ diễn ra sau khi đã có sự tăng trưởng đều đặn khoảng 2 triệu năm trước đó. Điều này không xảy ra ở riêng giới tính hay tộc người nào mà phổ biến khắp hành tinh.

Tác giả Kathleen McAuliffe viết trong báo cáo: "Hơn 20.000 năm qua, kích cỡ trung bình của não bộ nam giới đã giảm từ 1.500cm³ xuống 1.350cm³, nghĩa là mất đi một phần tương đương với cỡ quả bóng tennis. Kích cỡ não bộ của nữ giới cũng giảm với tỷ lệ tương đương".

Trong khi đó, Tiến sĩ John Hawks - một nhà nghiên cứu về Nhân loại học thuộc Đại học Wisconsin tranh cãi rằng, thực tế thì việc kích cỡ bộ não của con người đang giảm đi cũng không có nghĩa là trí thông minh của chúng ta sụt giảm theo.

Đồng quan điểm, nhiều nhà cổ sinh vật học cũng khẳng định bộ não con người có thể bé hơn về kích cỡ nhưng lại lớn hơn về... hiệu quả làm việc. Dù vậy, rất nhiều nhà chuyên môn khác tin rằng loài người dần ngốc nghếch hơn trong suốt quá trình... tiến hóa.

Nhiều lý thuyết đã được đưa ra để lý giải sự bí ẩn của việc giảm kích cỡ hộp sọ con người. Một trong số đó nhận định, loài người cần một cái đầu to để tồn tại trong Thượng kỳ đồ đá cũ (Upper Paleolithic), để sống sót trước sự lạnh giá và nhiều hoạt động ngoài trời.

Giả thuyết thứ hai thì cho rằng đầu người phát triển để thích nghi với chế độ ăn phải nhai nhiều, như ăn thịt thỏ, nai, cáo và ngựa. Khi thực phẩm của chúng ta dễ ăn hơn thì kích cỡ toàn bộ phần đầu cũng ngừng phát triển.

Hình ảnh 3 chiều của một hộp sọ con người cách đây 28.000 năm
tìm thấy tại Pháp cho thấy nó lớn hơn 28% so với hộp sọ người ngày nay.

Bộ não sẽ lại tăng kích cỡ?

Một số chuyên gia khác lại lập luận, với tỷ lệ tử vong sơ sinh rất cao vào thời xa xưa thì những người rất cứng cáp, khỏe mạnh mới mới tồn tại được. Và các đối tượng này có lẽ sở hữu một cái đầu to! Suy ra, khi tỷ lệ tử vong sơ sinh giảm đi sẽ dẫn tới việc sụt giảm tương ứng kích cỡ bộ não của con người.

Một nghiên cứu gần đây của David Geary và Drew Bailey - 2 nhà khoa học chuyên ngành Nhận thức học ở Đại học Missouri đã khám phá ra sự thay đổi tương thích của kích cỡ hộp sọ với môi trường xã hội thay đổi phức tạp giai đoạn từ 1,9 triệu năm trước cho đến 10.000 năm "gần" đây.

Họ thấy rằng khi mật độ dân số thấp (trong hầu hết suốt quá trình tiến hóa của chúng ta) thì hộp sọ tăng kích cỡ. Nhưng khi cư dân của một khu vực nhất định nào đó thay đổi từ thưa thớt thành dày đặc, kích cỡ hộp sọ của chúng ta lại giảm.

Hai tác giả này kết luận khá "ngộ" là, khi phạm vi xã hội mở rộng, bộ não con người bé đi vì không cần thiết phải thật... thông minh mới hòng sống sót.

Tuy nhiên, ông David Geary bác bỏ suy luận cho rằng như thế thì "các cụ" ngày xưa thông minh hơn chúng ta ngày nay.

Ông lý giải: "Thực tế, tổ tiên loài người không tương đương với chúng ta về trí tuệ và sự sáng tạo, bởi họ thiếu yếu tố văn hóa thúc đẩy mà chúng ta có ngày nay. Sự tăng lên các khu vực nông nghiệp hay hiện đại trong quá trình chuyên môn hóa cho phép những con người thông minh tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của mình như khoa học, nghệ thuật... Nhưng tổ tiên chúng ta thì không được như vậy, tất cả đều phải gắng hết sức để sống sót".

Mặt khác, Tiến sĩ Nhân loại học John Hawks (Đại học Wisconsin) thì tin rằng sự giảm kích cỡ não bộ của loài người thực tế có thể mang lại tín hiệu tốt: Chúng ta ngày càng thông minh hơn. Ông này lập luận, bộ não sử dụng đến 20% "nhiên liệu" mà chúng ta nạp vào, vì vậy, nếu nó to hơn thì cũng sẽ tốn năng lượng hơn và mất nhiều thời gian hơn để thể hiện khả năng.

Theo Tiến sĩ Hawks, cuộc bùng nổ dân số loài người từ 20.000 đến 10.000 năm trước đây làm xảy ra một sự biến đổi khác thường nhưng có lợi. Điều này giúp bộ óc con người được tổ chức tốt hơn, sự thay đổi hóa học thần kinh làm nâng "công suất" của khối óc nhân loại. Nhưng theo ông Hawks, bộ óc con người có thể sẽ lại tăng kích cỡ một lần nữa vào thời điểm nào đó.

Theo Gia đình
  • 3.952