Công ty Đức phát triển máy bay vũ trụ siêu thanh

  •  
  • 242

Phiên bản thử nghiệm thu nhỏ của máy bay vũ trụ do công ty Polaris thiết kế hoàn thành hàng loạt chuyến bay thành công.

Công ty hàng không vũ trụ Polaris Raumflugzenge của Đức hoàn thành một loạt chuyến bay thử nghiệm nhằm phát triển Aurora, thiết kế máy bay vũ trụ thế hệ tiếp theo. Hồi cuối tháng 8, công ty thực hiện thành công chuyến bay với Mira-Light, phiên bản thu nhỏ của máy bay thử nghiệm thứ 4 Mira, dự kiến cất cánh lần đầu tiên cuối năm nay. Công ty Polaris có nhiều kinh nghiệm trong khả năng phóng phương tiện vũ trụ tái sử dụng và hệ thống vận chuyển siêu thanh linh hoạt có thể tiếp tục hoạt động như máy bay thông thường, theo Debrief.

Máy bay vũ trụ siêu thanh Aurora
Polaris hoàn thiện máy bay vũ trụ siêu thanh Aurora thông qua các phiên bản máy bay thử nghiệm như Mira. (Ảnh: Polaris Raumflugzenge)

Phương tiện Aurora kết hợp máy bay và công nghệ phóng tên lửa với thiết kế mới nhằm cung cấp lợi thế lớn về mặt chi phí, mở đường để tiếp cận vũ trụ theo cách thường xuyên, an toàn và giá rẻ. Theo đó, Polaris đang tạo ra một số máy bay thử nghiệm hoạt động được cỡ nhỏ nhằm kiểm tra công nghệ và đẩy nhanh chế tạo máy bay vũ trụ.

MIRA-Light dài 2,5 cm và là phiên bản đơn giản hóa về công nghệ của máy bay lớn và nặng hơn tên MIRA. Mục tiêu chính của máy bay này là đánh giá kỹ lưỡng và tối ưu hóa hệ thống kiểm soát bay của MIRA. Phương tiện trang bị 4 động cơ điện phân luồng cung cấp lực đẩy trong khi MIRA sử dụng 4 turbine phản lực chạy bằng kerosene và động cơ tên lửa nhiên liệu lỏng.

MIRA-Light đại diện cho phương tiện thứ 4 của công ty cất cánh sau các máy bay thử nghiệm trước đó là Stella, Aleda và Athena. Nhóm nghiên cứu có thể giới hạn toàn bộ kinh phí dự án, bao gồm chi phí thiết kế, sản xuất và thử nghiệm, ở mức tương đối thấp, chỉ vài chục nghìn USD, dựa trên kinh nghiệm. Theo Polaris, quá trình thiết kế và chế tạo phương tiện hoàn thành cùng lúc với MIRA trong vài tuần.

"Do chuyến bay đầu tiên diễn ra trơn tru, chúng tôi trực tiếp bắt đầu thử nghiệm điều khiển bay và chương trình hiệu chỉnh trong cùng ngày. Vào cuối ngày, MIRA-Light đã hoàn thành 5 chuyến bay mà không gặp bất kỳ vấn đề nào. Chúng tôi dự định tiến hành 10 - 15 chuyến bay nữa trong vài tuần tới nhằm kết thúc chương trình thử nghiệm toàn diện", Polaris cho biết.

Công ty lên kế hoạch kết thúc bay thử nghiệm với Mira vào cuối năm 2023. Phiên bản máy bay thử nghiệm cuối cùng là Nova sẽ cất cánh đầu năm sau. Hệ thống tiên tiến trên Aurora cho phép phóng trên đường băng toàn cầu như máy bay thường. Ngoài giảm đáng kể chi phí nhờ khả năng tái sử dụng và không đòi hỏi bệ phóng, Aurora có thể chở 1.000 kg hàng trong nhiệm vụ lên quỹ đạo và 10.000 kg hàng trong nhiệm vụ cận quỹ đạo hoặc bay siêu thanh. Thời gian quay vòng máy bay chưa đến 24 giờ. Hệ thống cũng cho phép hủy phóng và đưa hàng về an toàn. Theo Polaris, Aurora sẽ đi vào hoạt động trong năm 2026 - 2027.

Cập nhật: 06/09/2023 VnExpress
  • 242