Hãng AFP ngày 30-5 đưa tin, lượng khí thải nhà kính trên thế giới đang tăng cao kỷ lục, góp phần đẩy nhiệt độ của Trái đất tiến gần tới “ngưỡng nguy hiểm” - tăng thêm 2°C. Đây là những ghi nhận trong bản báo cáo vừa công bố của Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA).
IEA nhận định, trong năm 2010, nền kinh tế của nhiều quốc gia đã thoát khỏi suy thoái, lấy lại đà tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều này cũng khiến tầng khí quyển của Trái đất hứng một lượng xả khí thải khổng lồ: 1,6 ngàn tỷ khí CO2, cao nhất từ trước tới nay.
Ông Faith Birol, một quan chức của IEA cho biết: “Đây là một thông tin xấu cho nỗ lực làm giảm lượng khí thải”. Nhiều nhà khoa học cho rằng nếu nhiệt độ Trái đất tăng thêm 2°C, mực nước biển dâng cao hơn 1m, nhiều nơi trên thế giới sẽ phải hứng chịu thảm họa thiên tai tàn khốc hơn hiện nay.
Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), kể từ năm 2009, nồng độ khí CO2 và methane đã tăng lên đáng kể trong năm 2009. Trước năm 1950, hàm lượng CO2 trong bầu khí quyển không thay đổi nhưng kể từ sau đó, hàm lượng khí này đã tăng 38%, chủ yếu là do việc đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch, nạn phá rừng và những thay đổi về việc sử dụng đất đai.
Về khí methane, loại khí gây hiệu ứng nhà kính lớn thứ hai, hàm lượng khí này trong bầu khí quyển cũng đã tăng 158%, chủ yếu do các hoạt động của con người như việc chăn nuôi bò, trồng lúa, khai thác các nhiên liệu hóa thạch và đổ các chất thải. Do vậy, nhân loại đang ngày càng lún sâu vào thảm họa thiếu nước, thiếu không khí sạch, thiếu lương thực do biến đổi khí hậu.
Cứ thêm một báo cáo, điều tra, giới chuyên gia lại thêm bi quan. Báo cáo mới nhất của Nhóm chuyên gia Liên hiệp quốc về khí hậu GIEC, thường ít khi quan tâm đến băng đảo ở hai cực địa cầu, đã phải thừa nhận quy mô và vận tốc tan băng gia tăng. Diện tích băng đá mất đi 30% theo ảnh vệ tinh chụp cuối năm 2007. Khí hậu tại Nam cực cũng ấm lên làm nhiều tảng băng trôi dạt. Băng tan nhanh làm mực nước biển dâng cao hơn.
Tình trạng khô hạn diễn ra tại nhiều tỉnh miền Nam Trung Quốc (Ảnh: AP).
Báo cáo của IEA cho biết, các quốc gia có nền kinh tế mới nổi chiếm 3/4 lượng khí thải trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia xả khí thải nhiều nhất. Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với sức ép gia tăng trong các đàm phán về khí hậu quốc tế, sau khi số liệu mới công bố của hãng BP cho thấy lượng khí thải CO2 tại quốc gia này đã tăng 9% năm 2009.
Theo BP, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ nhiên liệu hóa thạch như dầu mỏ và than đá tại Trung Quốc đã tăng lên 7,5 tỷ tấn năm 2009.
Như vậy, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thải khí CO2 nhiều thứ hai thế giới và trở thành nước đầu tiên thải trên 7 tỷ tấn CO2/năm. Trên thực tế, việc lượng khí thải tại Trung Quốc tăng mạnh trong vòng 10 năm qua là do quốc gia này xây dựng hàng loạt nhà máy nhiệt điện mới nhằm đáp ứng nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của mình.
Phía Trung Quốc cho rằng để vừa bảo đảm phát triển kinh tế ổn định và thực hiện tốt những chính sách linh hoạt nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải nhà kính là việc không dễ với Trung Quốc cũng như hầu hết các quốc gia đang phát triển trong bối cảnh hiện nay. Bản thân Mỹ và Trung Quốc, hai nước tạo ra nhiều khí thải carbon nhất thế giới cũng đang còn không ít bất đồng trong vấn đề này.
Trung Quốc cho rằng, các nước đang phát triển nên được miễn trừ trách nhiệm đưa ra cam kết bởi các nước này cần phát triển nền kinh tế và nâng cao mức sống của người dân. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ đảm nhận vai trò dẫn dắt và chèo lái toàn bộ quá trình thương lượng tại Hội nghị khí hậu quốc tế do Liên hiệp quốc tổ chức.
Trong khi đó, Washington lại muốn Trung Quốc và các nước đang phát triển cam kết giảm khí thải bằng những con số cụ thể và chịu sự giám sát của cộng đồng quốc tế.