10 núi lửa đáng sợ nhất thế giới

  •   4,125
  • 42.791

Khi núi lửa Vesuvius phun, nhiệt độ môi trường xung quanh nó lên tới 500 độ C, còn sức mạnh của núi lửa Krakatoa tương đương với 13.000 quả bom nguyên tử.

>>> Núi lửa Sinabung lại phun trào dữ dội

Núi lửa Sinabung vừa phun trào ở Indonesia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương, nơi có sự hiện diện của nhiều hỏa diệm sơn đáng sợ nhất thế giới. Dưới đây là danh sách 10 núi lửa nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại, theo đánh giá của Time.

Những ngọn núi lửa đáng sợ nhất thế giới

Núi lửa Vesuvius

Vesuvius là tên một ngọn núi lửa tầng nằm ở vịnh Naples ở phía nam Italy. Nó phun trào hơn 30 lần kể từ khi người ta biết tới sự tồn tại của nó. Lần phun trào khủng khiếp nhất xảy ra vào năm 79. Tro bụi và dung nham phun ra khỏi miệng núi trong nhiều ngày. Lượng tro mà Vesuvius phun ra đủ lớn để bao phủ hoàn toàn hai thành phố Pompeii và Stabiae.

Nhiệt độ môi trường lên tới 500 độ C. Sức ép của hơi nóng khủng khiếp đã khiến các cơ quan nội tạng của cơ thể ngừng hoạt động trong một khoảnh khắc cực ngắn, không đầy một tích tắc. Nhiều người dân ở quanh núi lửa chết mà không kịp có phản xạ tự vệ hoặc tỏ ra đau đớn. Đó là kết luận của các nhà khảo cổ Italy, sau khi nghiên cứu 80 bộ xương bị vùi trong tro bụi ở những ngôi mộ thuyền quanh chân núi Vesuvius.

Một người còn sống kể lại rằng một tiếng nổ lớn đột ngột vang lên, sau đó tro bụi đổ ập xuống thành phố trong lúc người dân cố gắng chạy. Không ai biết chính xác tổng số người chết trong thảm họa năm 79, song các nhà khảo cổ cho rằng con số đó phải trên 1.000. Đợt phun trào cũng làm thay đổi dòng chảy của sông Sarno và nâng cao đáy bờ biển.

Núi lửa Krakatoa

Krakatoa là hòn đảo núi lửa nằm giữa đảo Java và đảo Sumatra của Indonesia. Vào năm 1883, một ngọn núi lửa trên đảo Krakatoa tỉnh giấc với sức mạnh gấp 13.000 lần một quả bom nguyên tử. Âm thanh phun trào của khói và dung nham bay xa tới vài nghìn km, tức là tới tận những hòn đảo nằm ở bờ biển phía đông châu Phi.

Vài trăm người trong một thị trấn trên đảo Sumatra gần đó chết gần như ngay lập tức khi những đám tro đỏ rực đốt cháy nhà của họ. Hoạt động của núi lửa Krakatoa gây nên những cơn siêu sóng thần và chúng cuốn người dân ra biển. Khoảng 36.000 người thiệt mạng vì thảm họa, còn đảo Krakatoa chìm xuống đáy đại dương.

Tuy nhiên, vào năm 1927 các nhà thám hiểm nhìn thấy một hòn đảo mới mọc lên tại vị trí của đảo Krakatoa. Người ta gọi nó là Anak Krakatoa (con của Krakatoa). Ngày nay Anak Krakatoa vẫn phun dung nham vào không khí.

Núi lửa St. Helen

Núi lửa St.Helen ở Mỹ ngủ yên hơn 120 năm trước khi phun trào vào năm 1980. Thời gian chuẩn bị cho sự phun trào này lên tới hai tháng. Vào lúc 8h32 sáng 18/5/1980, một trận động đất có cường độ 5,1 độ Richter gây nên vụ nổ ở sườn núi lửa St. Helen. Vụ nổ khiến mặt phía bắc của núi sạt lở. Tro bụi nóng và dung nham phụt lên với tốc độ ít nhất 480 km/h và lan xa khoảng 24 km. Cùng lúc đó một cột khói hình nấm có chiều cao gần 26 km bay lên không trung, phủ kín ba bang gần đó.

Spokane, một thành phố cách núi lửa chừng 400 km về phía đông bắc, chìm trong bóng tối. Khi mưa rơi xuống những người dân ở bang Washington, Idaho và Montana nhìn thấy những giọt nước đen và bụi mịn. 57 người và vài nghìn động vật chết vùi bụi, còn tổng diện tích những khu rừng bị hủy diệt vào khoảng 320 km2. Vào năm 1982, quốc hội Mỹ và Tổng thống Ronald Reagan quyết định thành lập Đài tưởng niệm núi lửa quốc gia St. Helen xung quanh núi lửa này.

Núi lửa Tambora

8 là mức tối đa trong chỉ số phun trào núi lửa. Vào năm 1815 núi lửa Tambora hoạt động với chỉ số phun trào là 7. Vụ phun trào xảy ra trên đảo Sumbawa thuộc lãnh thổ Indonesia ngày nay và khiến cả một vùng chìm vào bóng tối. Đó là lần phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại. Những dòng sông nham thạch nóng thoát ra khỏi miệng núi cao khoảng 4.000 m, giết chết ngay lập tức khoảng 10.000 người. Núi lửa phun ra một lượng tro, bụi, nham thạch và khí có tổng thể tích vào khoảng 50 tỷ m khối. Một lượng khí sulphur dioxide (SO2) khổng lồ cũng bay vào khí quyển. Vài chục nghìn người chết bởi dung nham, tro bụi, sóng thần, bệnh tật và đói.

Thảm họa Tambora còn gây tác động lớn đối với khí hậu thế giới. Đám mây bụi từ núi lửa Tambora khiến nhiệt độ toàn cầu giảm từ 0,4 tới 0,7 độ C. Một năm sau đó, nhiều khu vực ở châu Âu và Bắc Mỹ không có mùa hè. Sương giá khiến mùa màng tại Canada và vùng New England của Mỹ thất bát. Châu Âu cũng khốn đốn vì sự suy giảm nhiệt độ. Bản thân núi lửa Tambora co lại tới vài nghìn mét, còn đỉnh của nó biến thành một hố lớn.

Núi lửa Mauna Loa

Bang Hawaii của Mỹ là nơi được tạo nên bởi những đảo núi lửa và nó cũng là nơi có Mauna Loa, ngọn núi lửa lớn nhất thế giới. Mauna Loa (nghĩa là Núi dài) trong ngôn ngữ của thổ dân Hawaii) nằm trên đảo Big Island, bang Hawaii. Ngoài danh hiệu “núi lửa lớn nhất thế giới”, nó còn có đỉnh cao gần 4.175 m.

Mauna Loa cũng là núi lửa hoạt động thường xuyên nhất thế giới. Kể từ năm 1843 tới nay nó phun trào 33 lần, trong đó lần cuối cùng xảy ra vào năm 1984. Với chiều dài 60 km và chiều rộng 48 km, Mauna Loa chiếm khoảng một nửa diện tích của đảo Big Island. Khối lượng của nó bằng khoảng 85% khối lượng của tất cả đảo tại Hawaii.

Núi lửa Pelée

Nằm trên đảo Martinique trong biển Caribbe và có độ cao 1.463 m, Pelée phun trào dữ dội vào tháng 5/1902, giết chết gần 30.000 người tại thành phố cảng St. Pierre trên đảo. Thảm họa khủng khiếp đến nỗi từ “pelean” – được dùng để mô tả loại bụi, khí và mây bụi của núi lửa Pelée – trở thành một thuật ngữ chuyên ngành về núi lửa.

Trước khi Pelée phun trào, nhiều người nhìn thấy hơi nước, bụi và tia chớp trên miệng nó, song những dấu hiệu báo trước đó đều bị phớt lờ. Sau khi hầu hết thành phố St. Pierre bị hủy diệt, Pelée ngủ yên trong vài tháng. Song chẳng bao lâu sau các nhà địa chất phát hiện một hồ dung nham ngầm dâng lên độ cao 300 m từ đáy miệng núi lửa. Dung tram trào ra ngoài miệng vào tháng 3/1903.

Núi lửa Eyjafjallajokull

Một đám mây bụi khổng lồ bay lên từ núi lửa Eyjafjallajokull tại Iceland vào tháng 4 rồi bay khắp lục địa châu Âu khiến hàng loạt phi trường đóng cửa và vài trăm nghìn hành khách mắc kẹt suốt nhiều ngày. Trên khắp hành tinh người ta nguyền rủa Eyjafjallajokull song rất ít người phát âm chính xác tên của nó. Mặc dù sở hữu nhiều công nghệ tối tân, con người vẫn bất lực khi đối mặt với tro núi lửa.

Năm nay Eyjafjallajokull phun trào lần đầu tiên vào ngày 20/3. Tuy nhiên, đợt phun trào bắt đầu từ ngày 14/4 mới gây nên tình trạng tê liệt của hàng không châu Âu, khiến các hãng hàng không mất hơn một tỷ USD.

Núi lửa Thera

Khoảng 3.500 năm trước, một thảm họa làm rung chuyển Địa Trung Hải. Ngọn núi lửa trên đảo Thera (sau này được gọi là đảo Santorini thuộc Hy Lạp) phun trào với sức mạnh gấp 4-5 lần so với vụ phun trào năm 1883 của núi lửa Krakatoa, trạo ra một hố lớn trên đảo Aegean và những đợt sóng khổng lồ trên đại dương.

Các nhà khảo cổ tin rằng nền văn minh Minoan trên đảo Thera có lẽ đã bị hủy diệt sau khi các đám tro bụi khổng lồ bao bọc các thành phố và sóng thần nhấn chìm các đội tàu biển của họ. Vụ phun trào kinh thiên động địa của núi lửa Thera được tái hiện trong nhiều truyền thuyết của khu vực Địa Trung Hải. Chẳng hạn, người Ai Cập cổ kể cho nhau nghe một đám bụi núi lửa khổng lồ khiến bầu trời phía tây tối sầm và phá hủy nhiều thành phố, đền đài. Nhiều học giả thời xưa còn cho rằng thảm họa núi lửa Thera chính là sự trừng phạt của Chúa dành cho loài người.

Núi lửa Nevado del Ruiz

Vụ phun trào núi lửa Nevado del Ruiz tại Colombia vào ngày 13/11/1985 tương đối nhỏ, bởi lượng tro mà nó phun ra chỉ bằng 3% so với núi lửa St. Helens vào năm 1980. Tuy nhiên, những dòng bùn mà núi lửa Nevado del Ruiz tạo ra khiến vụ phun trào của nó trở thành thảm họa núi lửa giết chết nhiều người nhất trong thế kỷ 20. Nó cũng là vụ phun trào núi lửa giết nhiều người thứ tư trong lịch sử loài người.

Sau vụ nổ, những trận lũ quét cuốn trôi 1.500 người ở một phía của ngọn núi. Bùn xám từ miệng núi lửa lao xuống thành phố Armero gần đó với tốc độ 40 km/h và phủ kín toàn bộ thành phố. Thiệt hại về vật chất vào khoảng 1 tỷ USD – tương đương 20% tổng sản phẩm quốc dân của Colombia vào thời điểm đó.

Núi lửa Pinatubo

Khi núi lửa Pinatubo ở Philippines phun trào vào năm 1991, lượng tro sulfuric mà nó giải phóng vào tầng bình lưu khiến nhiệt độ toàn cầu giảm 0,55 độ C trong hai năm tiếp theo. Trước đó Pinatubo ngủ yên trong 6 thế kỷ.

Vào năm 1990, một trận động đất 7,8 độ Richter xảy ra cách núi lửa khoảng 100 km về phía đông bắc, gây nên những trận lở đất và khiến hơi nước bốc lên từ núi lửa. Cơn địa chấn đó tạo điều kiện thuận lợi cho Pinatubo bùng nổ vào năm 1991, giết chết khoảng 7.000 người. Do nhiều nhà khoa học dự đoán được thời điểm hoạt động của núi lửa nên chừng 5.000 sinh mạng được cứu.

Tuy nhiên, vụ phun trào tạo nên một trong những cảnh tượng môi trường đáng nhớ nhất mà con người từng chứng kiến. Với cột tro cao tới 35 km trong không trung, vụ phun trào của Pinatubo vào năm 1991 là vụ phun trào núi lửa lớn thứ hai trong thế kỷ 20.

Cập nhật: 30/11/2017 Theo Vnexpress
  • 4,125
  • 42.791