Nuôi giun "ăn" rác

  •   2,37
  • 23.743

Tự tìm đọc các tài liệu, anh Nguyễn Anh Tuấn (Hà Nội) đã nuôi giun để dọn sạch các rác thải hữu cơ trong thùng rác. Thành công này có thể làm thay đổi quan điểm “sợ bẩn” khi nuôi giun trong nhà.

Xử lý rác thải hữu cơ bằng giun

Anh Tuấn cũng ấp ủ dự định kết hợp việc nuôi giun và trồng rau sạch tại nhà để tận dụng nguồn phân giun hữu ích.

Nuôi giun trong gầm bếp

Nguyễn Anh Tuấn là học viên của trường Cao đẳng Giao thông vận tải. Anh hiện đang trọ tại một căn hộ trong ngõ hẻm của phố Triều Khúc (Thanh Xuân, Hà Nội) cùng hai người bạn.

Vốn quan tâm đến công nghệ xanh và tham gia nhiều phong trào tình nguyện vì môi trường, Tuấn hăm hở thực hiện ý tưởng nuôi giun tại nhà sau khi tìm đọc những bài báo về việc nuôi giun để xử lý rác sinh hoạt đang được áp dụng phổ biến tại các gia đình ở nhiều nước trên thế giới như Canada, Nhật Bản và Trung Quốc.

Từ tháng 6/2009, mua được 10 kg sinh khối giun quế với giá 12.000 đồng một kg, anh cho tất cả vào một thùng nhựa có thể tích khoảng 40 lít và đặt vào gầm bếp. Nguồn thức ăn để nuôi giun chính là lượng rác hữu cơ thải ra từ quá trình sinh hoạt. Thật ngạc nhiên, lượng giun này có thể tiêu hóa hết lượng rác thải của cả ba người trong phòng trọ.

Trong quá trình nuôi giun, Tuấn nhận thấy giun quế có thể xử lý hữu hiệu hầu hết các loại rác hữu cơ như phụ phẩm rau củ quả, cơm và thức ăn thừa…, trừ các loại cứng như xương, vỏ trứng.

“Việc xử lý rác hữu cơ bằng giun thuận tiện và sạch sẽ hơn nhiều so với kiểu xử lý truyền thống là cho vào túi nylon và vứt ra đầu ngõ. Rác sau khi được giun tiêu hóa sẽ trở thành phân giun, một loại phân bón rất tốt cho cây”, Tuấn nói. 

Nuôi giun "ăn" rác
Giun nuôi trong nhà không hề gây bẩn. (Ảnh:Hồng Quân)

Gạt bỏ thành kiến về giun

Trong thùng giun, lớp thức ăn sẽ nằm ở phía trên, phân giun nằm ở dưới và giun tập trung nhiều ở giữa hai tầng này. Chỉ cần lật tầng thức ăn phía trên lên là có thể thu hoạch giun và phân ở phía dưới một cách dễ dạng. Trung bình mỗi tuần lễ, thùng giun này sản xuất ra hơn 1 kg phân giun. Phân và giun sinh sôi từ thùng giun của Tuấn được một người dân trong khu vực đem về chăm bón cho vườn rau và làm thức ăn cho đàn gà.

Phân giun trông giống một loại đất mùn và không có mùi. Thức ăn trong quá trình được giun phân hủy có mùi chua nhẹ, rất khó nhận biết được ở khoảng cách xa. Nếu đậy nắp thùng lại thì hoàn toàn không thể ngửi thấy mùi. “Việc nuôi giun trong nhà bếp hoàn toàn bảo đảm vệ sinh”, Tuấn khẳng định.

Mặc dù, nuôi giun tại nhà khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam có thùng giun trong nhà vẫn bị coi là… bẩn thỉu. Khi đưa ra ý tưởng nuôi giun, Tuấn đã phải hứng chịu sự phản đối gay gắt từ các bạn cùng trọ. Thuyết phục mãi anh mới tiến hành được ý tưởng này, với điều kiện phải bảo đảm vệ sinh cho nhà trọ.

Việc xử lý rác sinh hoạt bằng giun đã chứng minh được hiệu quả thiết thực. Nguyễn Anh Tuấn đang ấp ủ dự định kết hợp giữa việc nuôi giun và trồng rau sạch tại nhà để tận dụng nguồn phân giun hữu ích.

Nuôi giun "ăn" rác

Theo tài liệu hướng dẫn, giun cần được tưới ẩm thường xuyên. Nhưng theo kinh nghiệm của Nguyễn Anh Tuấn, giun nuôi trong thùng có nắp đậy sẽ luôn duy trì được độ ẩm do nước ít bị bốc hơi, vì vậy không cần phải tưới thêm nước. “Đổ rác vào thùng” là công việc duy nhất để duy trì sự sống của giun.

Có thể tận dụng những vật có sẵn để nuôi như: chum, chậu, thùng phuy, can nhựa, xô nhựa, những bể nước không còn sử dụng v.v… Cũng có thể đóng thùng nuôi giun gồm nhiều tầng chồng lên nhau.

Thùng nuôi giun phải đảm bảo có thể chứa được thức ăn cho giun và không làm thay đổi nhiệt độ của thức ăn. Nước trong thức ăn khi lắng xuống phải có chỗ thoát, để phần thức ăn bên dưới không quá ẩm. Đóng thùng nuôi giun phải đảm bảo kín, không cho giun bò ra ngoài, bỏ trốn khỏi nơi nuôi. Thông thường các thùng làm bằng gỗ hoặc nhựa.

Việc xử lý rác hữu cơ bằng giun thuận tiện và sạch sẽ hơn nhiều so với kiểu xử lý truyền thống là cho vào túi ny lon và vứt ra đầu ngõ, một loại phân bón rất tốt cho cây trồng

Theo Báo Đất Việt
  • 2,37
  • 23.743