Trong bối cảnh thế giới chưa bào chế được vắc xin phòng virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV), các nhà khoa học Mỹ thông báo có thể phối hợp hai loại thuốc kháng virus để điều trị cho những người nhiễm MERS-CoV như giải pháp ngăn chặn ban đầu.
>>> Virus MERS-CoV ít có khả năng lây lan thành dịch
Thông báo được đăng trên tạp chí Y học Tự nhiên ra ngày 8/9.
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học Viện sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) đã cấy virus MERS-CoV vào sáu con khỉ. Khoảng 8 giờ sau, họ dùng interferon alpha- 2b (IFN-2b) và ribavirin, hai loại thuốc thường được sử dụng kết hợp để điều trị các bệnh truyền nhiễm do virus gây ra như viêm gan C, để điều trị cho ba con khỉ đã được truyền virus. Ba con còn lại không được điều trị để có sự so sánh.
Kết quả là, những con khỉ được điều trị không phát triển triệu chứng khó thở và chỉ có dấu hiệu viêm phổi nhẹ.
Họ cũng phát hiện ra rằng lượng virus MERS-CoV trong cơ thể những con khỉ được điều trị ít hơn nhiều so với trong cơ thể những con không được điều trị, và mô phổi của những con khỉ được điều trị ít bị hủy hoại hơn.
Các nhà khoa học NIH cho rằng interferon alpha- 2b (IFN-2b) và ribavirin đã hạn chế sự tái tạo của MERS-CoV và cải thiện kết quả điều trị lâm sàng như hạn chế tình trạng viêm nhiễm và nguy cơ viêm phổi. Tuy nhiên, họ thừa nhận hiện không thể biết chắc hai loại thuốc này có phát huy tác dụng đối với những trường hợp nhiễm MERS-CoV nặng hay không.
Virus MERS-CoV được coi là "họ hàng" của virus gây Hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính (SARS), loại virus từng gây dịch bệnh ở châu Á năm 2003 với 8.273 ca lây nhiễm và tỷ lệ tử vong là 9%.
Giống như SARS, virus MERS-CoV cũng gây các triệu chứng cúm và được cho là có thể truyền từ động vật sang người, song nguy hiểm hơn SARS vì có thể gây suy thận và tỷ lệ tử vong ở người nhiễm bệnh lên tới 51%.
MERS-CoV được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 9/2012.
Tính đến đầu tháng Chín này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác nhận 52 trường hợp tử vong vì virus mới, xấp xỉ 50% số người nhiễm bệnh trên toàn cầu (110 trường hợp).
Căn bệnh này hiện hoành hành mạnh nhất ở Arập Xêút.