Những căn bệnh thường gặp trong thời tiết giao mùa Thu-Đông

Bệnh tật khi giao mùa
  •  
  • 820

Khi giao mùa, phổi rất dễ bị ảnh hưởng và nêu không điều trị sớm và đúng cách, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng tấn công sâu hơn vào phế nang, phế quản phổi gây nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong.

Bệnh giao mùa là nhóm bệnh xuất hiện phổ biến trong thời điểm giao mùa từ Thu sang Đông. Đây là thời điểm nhiệt độ thay đổi, chênh lệch giữa ngày và đêm, độ ẩm không khí giảm,… làm cho cơ thể tiêu tốn năng lượng nhiều hơn, giảm sức đề kháng dẫn đến dễ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Ngoài ra, các điều kiện môi trường thay đổi lúc giao mùa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ai dễ mắc bệnh trong thời kỳ giao mùa?

Đối tượng dễ mắc các bệnh khi giao mùa Thu-Đông thường là nhóm người có sức đề kháng yếu hay bị suy giảm miễn dịch. Một số các nhóm đối tượng đó bao gồm:

  • Trẻ em: Trẻ nhỏ rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa vì hệ thống miễn dịch của chúng vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Đặc biệt, trẻ khi mắc bệnh thường diễn biến nặng hơn so với người lớn.
  • Người cao tuổi: Đây là nhóm đối tượng thường có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận hay tim mạch. Vì vậy, hệ miễn dịch của người cao tuổi bị suy yếu và dễ bị các loại bệnh khi giao mùa tấn công hơn.
  • Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ rất dễ gây dị tật cho thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với phụ nữ mang thai.

Một số bệnh thường gặp khi giao mùa

Bệnh giao mùa Thu Đông rất phổ biến và bất cứ đối tượng nào cũng có thể mắc, dưới đây là một số bệnh chúng ta hay gặp khi thời tiết thay đổi.

Viêm mũi dị ứng

Trong thời điểm giao mùa, sự thay đổi của nhiệt độ và sự hiện diện của những tác nhân gây dị ứng trong môi trường như phấn hoa, cây cỏ, nấm mốc sẽ làm cho những người có cơ địa nhạy cảm bị viêm mũi dị ứng với biểu hiện ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi liên tục.

Cảm cúm

Do mùa thu lúc nóng, lúc lạnh nên cơ thể dễ bị cảm cúm. Vì vậy, chúng ta phải có thói quen rèn luyện sức khoẻ để tránh rét ngay từ mùa thu, phải chú ý đến thời tiết để mặc thêm quần áo hoặc cởi bớt ra. Những người đã bị cảm thì nên ăn món hành để cả rễ nấu với đậu phụ sẽ có hiệu quả rất tốt.

Mùa thu là mùa có nhiều người bị viêm phế quản, vì bệnh này rất nhạy cảm và khó thích ứng đối với sự biến đổi thất thường của khí hậu, dẫn đến viêm đường hô hấp, nên phải chú ý phối hợp điều trị dựa theo đặc điểm dễ tái phát, khó khỏi hẳn của bệnh viêm phế quản.

Mùa thu cây cỏ khô héo, những chất gây dị ứng trong không khí tương đối nhiều, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản. Cách tốt nhất là tránh tiếp xúc với những chất gây dị ứng. Phải cải thiện môi trường trong nhà, bảo đảm cho không khí lưu thông, không có bụi bặm và ô nhiễm.


Do mùa thu lúc nóng, lúc lạnh nên cơ thể dễ bị cảm cúm. (Ảnh: Gettyimages.com)

Bệnh dạ dày

Mùa thu cũng làm cho nhiều người bị tái phát bệnh dạ dày. Do sự kích thích của không khí lạnh, lượng hitamin trong máu tăng lên, dịch chua trong dạ dày bài tiết nhiều, đường tiêu hoá bị co bóp mạnh, làm giảm sức đề kháng và tính thích ứng với khí hậu của cơ thể.

Ngoài ra, không khí mát lạnh cũng khiến chúng ta ăn ngon miệng hơn và nhiều hơn, làm tăng thêm gánh nặng cho đường tiêu hóa, khiến bệnh dạ dày dễ tái phát. Những người bị bệnh này, ngoài việc phải chú ý mặc ấm, còn cần rèn luyện sức khoẻ để giảm bớt khả năng phát bệnh, chú ý ăn uống cho khoa học mỗi bữa, không nên ăn quá no và nên chia làm nhiều bữa, ăn có giờ giấc, không hút thuốc lá và uống rượu.

Đau xương khớp

Thời tiết lúc nóng, lúc lạnh cũng là nguyên nhân gây đau khớp xương. Người bị bệnh đau khớp xương phải chú ý phòng chống rét và mặc cho ấm, nhất là sau khi ra mồ hôi, không nên tắm rửa bằng nước lạnh.

Bệnh huyết áp, thần kinh

Mùa thu mưa nhiều, nhiệt độ thấp, ảnh hưởng đến huyết áp, thần kinh. Có nhiều người cảm thấy buồn bực, trầm cảm. Khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở, khiến cho cơ thể dễ mắc các bệnh đường tiêu hoá và bệnh da liễu.

Muốn khắc phục những ảnh hưởng của khí hậu mùa thu, trước tiên phải tăng cường khả năng thích ứng đối với môi trường, trước đó căn cứ theo khí hậu để áp dụng biện pháp phòng chống thích hợp. Mùa này cũng dễ bị ký sinh trùng và muỗi đốt, nên bị đỏ tấy và ngứa, sau khi gãi loét da bị nhiễm khuẩn, mưng mủ... Vì vậy, sau khi bị muỗi đốt không nên gãi, có thể bôi dầu bạc hà cho giảm viêm và đỡ ngứa.

Bệnh viêm phổi

Khi chuyển từ mùa hè sang mùa thu, khí hậu khô hanh nên dễ bị mắc bệnh viêm phổi.

Bộ phận bị ảnh hưởng lớn nhất do khí hậu khô hanh trong mùa thu là phổi, vì vậy, phải chú ý rèn luyện sức khỏe để tăng cường sức đề kháng của phổi, phòng chống bệnh viêm phổi.

Ăn uống cũng là một cách phòng chống bệnh rất tốt. Nên ít ăn những thức ăn cay, ăn nhiều những thức ăn mát như lê, củ cải, bách hợp, hạt sen... để bổ sung nước cho phổi.

Cơ thể bị nhiệt

Khí hậu khô hanh trong mùa thu cộng thêm những thói quen không có lợi cũng dễ làm cho cơ thể bị nhiệt.

"Nhiệt" là do các bộ phận trong cơ thể điều tiết không tốt gây nên. Thường là, trước khi bị nhiệt không có triệu chứng rõ rệt, nhưng sau khi bị nhiệt sẽ xuất hiện những triệu chứng như: tim đập nhanh, cả người nóng bừng, miệng và môi khô, bồn chồn không yên, nếu nghiêm trọng còn xuất hiện những triệu chứng như: loét miệng, viêm họng... ảnh hưởng đến việc ăn uống.

Để tránh bị nhiệt, theo lời khuyên của chuyên gia, trước hết phải tạo cho mình một thói quen tốt trong cuộc sống hàng ngày, nghỉ ngơi có giờ giấc, không nên thức khuya, ăn uống có giờ giấc và có định lượng, không nên bỏ bữa, cũng không nên ăn quá no. Thứ hai là ăn nhiều đồ ăn mát, chẳng hạn như rau có lá xanh thẫm, dưa chuột, cam, trà xanh đều có tác dụng giải nhiệt, còn cà rốt có hiệu quả rất tốt giúp tránh cho môi bị khô nẻ.

Trong thời gian bị nhiệt, không nên ăn cay, uống rượu, hút thuốc lá, phải chú ý giữ vệ sinh răng miệng, thường xuyên súc miệng, uống nhiều nước, đồng thời uống thuốc giải nhiệt dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu nhiệt hơn một tuần vẫn không đỡ thì cần phải đến bệnh viện điều trị.

Bệnh sởi

Sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra và là một trong các loại bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa.

Bệnh sởi có các biểu hiện đặc trưng là sốt, phát ban, ho, mắt đỏ (viêm kết mạc mắt), chảy nước mũi; có thể dẫn đến những biến chứng nặng như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, viêm não… dễ dẫn đến tử vong.

Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh.

Bệnh tay chân miệng

Tay chân miệng cũng là bệnh phổ biến vào tháng 10, 11 hàng năm, khi thời tiết biến đổi phức tạp. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh do virus gây ra, triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là sốt.

Dị ứng

Sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm cùng sự sụt giảm độ ẩm không khí là tác nhân gây ra các chứng bệnh da liễu như khô nẻ, da dị ứng, mẩn đỏ… Biểu hiện bệnh thường là da nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy gây khó chịu.

Để phòng bệnh, bạn có thể bôi kem dưỡng da để cung cấp độ ẩm cho da. Ngoài ra, cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ ấm cơ thể hàng ngày… Đặc biệt, khi chưa tìm rõ nguyên nhân dị ứng, nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng bất cứ loại thuốc nào.

Suy tim

Khi giao mùa giữa Thu và Đông, người bị bệnh suy tim thường có nguy cơ tái phát. Do thời tiết thay đổi quá đột ngột, cơ thể phải tìm cách thích ứng với sự biến đổi. Từ đó làm quá tải hệ thống tim mạch, gây hậu quả nghiêm trọng cho tim mạch. Vì thế người bệnh cần thăm khám định kỳ để biết rõ tình trạng sức khỏe tim mạch của mình.

Bệnh suy tim
(Ảnh: Getty Images)

Viêm xoang

Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam. Nhất là vào thời điểm giao mùa, khi độ ẩm không khí thấp, hanh khô tăng cao khiến niêm mạc mũi bong, gây hắt hơi, sổ mũi, đau nhức mũi kéo theo đau đầu, đau tai, đau ngứa họng…

Tuy không quá nguy hiểm nhưng viêm xoang lại là một trong những căn bệnh khó chữa dứt điểm, gây khó chịu và phiền toái nhất cho người bị bệnh.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ, người bị viêm xoang cần hạn chế ăn đồ lạnh, mặc phong phanh và ra ngoài phải có khẩu trang.

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa do vi khuẩn, virus tranh thủ xâm nhập vào cơ thể khi nó chưa kịp thích nghi. Đau mắt đỏ sẽ gây cho bệnh nhân những khó chịu vùng mắt như mắt đỏ ngầu, nước mắt giàn giụa, sưng nhức mắt… Và đặc biệt, khiến người mắc không thể tự tin khi giao tiếp.

Để phòng tránh, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân và nơi sinh hoạt. Do bệnh dễ lây nên tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Đồng thời nên đeo kính khi ra ngoài, nhỏ mắt hàng ngày, giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng. Nếu mắc bệnh cần nghỉ 7-10 ngày đẻ cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây lan sang người khác.

Đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ cũng là loại bệnh thường xảy ra trong lúc giao mùa.

Sốt xuất huyết

Giao mùa là lúc các vi khuẩn, virus sinh sôi và bùng phát mạnh mẽ, trong đó có virus gây sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết gây nguy hiểm cho tất cả các đối tượng, đặc biệt là trẻ em và những người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Người bệnh gặp các dấu hiệu như sốt cao, mệt mỏi, buồn nôn, đau mỏi người,… thường lầm tưởng bệnh cũ tái phát dẫn tới chủ quan không đi khám và điều trị. Khi bệnh trở nặng, diễn biến bệnh đã nguy hiểm hơn mới phát hiện và đến bệnh viện, khiến công tác điều trị gặp khó khăn, nhiều trường hợp đã không qua khỏi do sốt xuất huyết.

Cập nhật: 04/12/2024 Tổng Hợp
  • 820