Theo nghiên cứu mới của Đại học Oxford (Anh), phương pháp kích thích dòng điện trực tiếp xuyên sọ (TDCS) có thể giúp nâng cao tốc độ học hỏi.
>>> Hy vọng mới cho các bệnh nhân bị chứng đột quỵ
Các chuyên gia bắt đầu nghiên cứu bằng cách chứng minh rằng những não bộ bị tổn hại vì đột quỵ có thể được huấn luyện để điều khiển chức năng vận động tốt hơn. 10 người từng bị đột quỵ trong vòng 6 tháng và 18 người khỏe mạnh cùng chơi một trò chơi trên máy tính, với nhiệm vụ là điều khiển chuyển động của một công cụ trên màn hình.
Ảnh chụp cắt lớp cho thấy não của những người khỏe mạnh ít hoạt động hơn, trong khi não của bệnh nhân đột quỵ trở nên chủ động hơn, chứng tỏ các tế bào bị tổn thương làm việc chăm chỉ hơn. Trong thử nghiệm khác, 15 tình nguyện viên khỏe mạnh được đeo một thiết bị có hai điện cực, một cái được đặt trên tai trái, khu vực có vùng não điều khiển chức năng vận động, cái còn lại được đặt trên tai phải. Trong khi các tình nguyện viên học bấm một loạt các phím, giống như chơi một giai điệu trên đàn piano, các chuyên gia tiến hành kích thích điện não. Kết quả cho thấy khi một dòng điện nhỏ chạy từ bên trái sang bên phải thông qua các điện cực, người chơi học ghi nhớ tổ hợp các phím nhanh hơn. Các chuyên gia cho rằng dòng điện đã kích thích não bộ giải phóng các hóa chất làm tăng cường liên kết quan trọng giữa các tế bào não.
Kỹ thuật này được kỳ vọng sẽ giúp ích cho những bệnh nhân đột quỵ, người bị suy giảm trí nhớ, giảm chức năng vận động. Theo Giáo sư Johansen-Berg, trong tương lai, kỹ thuật này cũng có thể được sử dụng để huấn luyện người ta học các môn thể thao nhanh hơn.