Công ty năng lượng nguyên tử Rosatom tiết lộ một lò phản ứng hạt nhân mới trang bị trên các tàu phá băng trong tương lai, nó cho phép người Nga băng qua các tuyến đường biển đóng băng.
Moscow hy vọng công nghệ này sẽ giúp phát triển "Tuyến đường hàng hải phía Bắc" để kết nối châu Âu (EU) với châu Á, trong bối cảnh nước này đã bị tước đoạt phần lớn thị trường EU do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Ukraine.
Nga đang khẳng định mình nhiều hơn ở khu vực Bắc Cực. Công ty Rosatom tiết lộ, một lò phản ứng mới nhằm trang bị cho tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai, nó có thể hoạt động liên tục và băng qua các tuyến đường biển đóng băng rộng lớn.
Đây là vấn đề quan trọng đối với tham vọng vùng cực của Moscow, vốn muốn biến khu vực này trở thành tuyến đường thương mại tới châu Á.
Nga hiện là quốc gia sở hữu đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất trên thế giới. (Ảnh: Meteo de neiges).
Các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân phù hợp hơn với tuyến đường biển phía bắc vì yêu cầu năng lượng và khả năng tiếp nhiên liệu hạn chế.
"Lò phản ứng RITM-200 là một phần trong hệ thống năng lượng của tất cả các tàu phá băng hiện đại", Vladislav Paikov, phó tổng giám đốc ZiO-Podolsk, thuộc Rosatom cho biết.
Ông tuyên bố rằng, loại lò phản ứng này nhẹ, nhỏ và mạnh hơn nhiều so với các thế hệ cũ.
Tàu phá băng mới có tên là Chkotka, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026. Con tàu sẽ được điều chỉnh để thích nghi với cả các tuyến đường biển và sông.
Một lò phản ứng mới cho phép Nga tăng tốc phát triển Bắc Cực, khu vực mà nước này coi là thiết yếu để xuất khẩu hydrocarbon sang châu Á.
Việc chinh phục Bắc Cực càng thú vị hơn đối với Moscow vì nó mang lại cho nước này một giải pháp thay thế cho các biện pháp trừng phạt sau cuộc xung đột ở Ukraine khiến quốc gia mất đi phần lớn thị trường châu Âu.
Nga hy vọng sẽ áp đặt tuyến đường hàng hải phía Bắc nối châu Âu với châu Á, từ tình trạng băng tan dưới tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong tương lai, nó sẽ có thể cạnh tranh với Kênh đào Suez, nằm ở phía đông Ai Cập.
Nước này có kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để vận chuyển 150 triệu tấn hàng hóa qua tuyến hàng hải này vào năm 2030. Hơn nữa, vào đầu tháng 10, Nga đã thông báo về việc đưa con tàu đầu tiên từ Trung Quốc đi qua tuyến đường biển phía Bắc này.
Về phần mình, Gazprom hồi tháng 11 cũng tuyên bố đã giao khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Trung Quốc lần đầu tiên thông qua tuyến đường biển này.
Công ty Nga vui mừng cho biết, việc sử dụng tuyến đường hàng hải này cho phép chúng tôi giảm đáng kể thời gian vận chuyển LNG đến các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Trong nhiều năm, Nga đã xây dựng cơ sở hạ tầng cảng, lắp đặt hệ thống khí đốt tự nhiên hóa lỏng và đội ngũ tàu phá băng lớn. Nhưng việc di chuyển trong điều kiện khắc nghiệt của Bắc Cực vẫn là một thách thức lớn và hiện tại, tuyến đường này vẫn còn rất xa mới có thể thay thế được Kênh đào Suez.
Mọi thứ đang tiến triển từ phía Nga, đặc biệt là ở cấp độ quân sự. Nga chia sẻ sự hiện diện ở khu vực này với các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Canada và Bắc Âu.
Do đó, ngay cả khi đang diễn ra cuộc tấn công ở Ukraine, Nga vẫn không ngừng tăng cường năng lực ở Bắc Cực, mở lại hoặc hiện đại hóa các căn cứ và sân bay có từ thời Liên Xô.
Malte Humpert, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Viện Bắc Cực, Mỹ cho biết: "Nga cũng đã triển khai hệ thống tên lửa S300 và S400, mở rộng đường băng để chứa các máy bay có khả năng mang bom hạt nhân và xây dựng các hệ thống radar hiện đại".
Tháng 8 năm ngoái, Hạm đội phương Bắc, phụ trách Bắc Cực, đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với sự tham gia của hơn 8.000 binh sĩ và một số tàu ngầm.
Đô đốc Rob Bauer, người đứng đầu ủy ban quân sự NATO, lưu ý: "Sự cạnh tranh và quân sự hóa gia tăng ở khu vực Bắc Cực, đặc biệt là từ Nga là điều đáng lo ngại. Chúng ta phải luôn cảnh giác và chuẩn bị cho những điều bất ngờ".