Giả thiết mới về những di vật của Alexander Đại đế?

  •   1,52
  • 1.616

Các nhà nghiên cứu cho biết một ngôi mộ Hy Lạp cổ từng được cho là của cha Alexander Đại đế thực ra lại thuộc về người anh em cùng cha khác mẹ với ông.

Điều này có nghĩa là có thể một số di vật trong ngôi mộ - bao gồm một mũ sắt, khiên, một “vương miện” bạc – ban đầu có thể thuộc về chính Alexander Đại đế. Người ta cho rằng người anh em của ông đã tuyên bố sở hữu những tài sản hoàng gia này sau cái chết của Alexander.

Ngôi mộ là một trong ba ngôi mộ Macedonia hoàng tộc được các nhà khảo cổ học làm việc tại ngôi làng Vergina phía bắc Hy Lạp khai quật vào năm 1977.

Những người khai quật vào thời đó phát hiện các ngôi mộ giàu có với một số di vật bao gồm một băng quấn đầu độc đáo bằng bạc, một mũ sắt, một tấm khiên nghi lễ, cùng với một bộ vũ khí và một vật ban đầu được xác định là vương trượng.

Theo Eugene N. Borza, giảng viên danh dự môn lịch sử cổ đại tại ĐH Bang Pennsylvania, “Các nhà khảo cổ học tuyên bố ngôi mộ trong phòng chính của một hầm mộ lớn là của Philip II, cha của Alexander Đại đế, người bị ám sát vào năm 336 trước Công nguyên."

Nhưng phân tích gần đây trên các ngôi mộ, tranh vẽ, đồ gốm và những cổ vật khác tìm thấy ở đó cho thấy những ngôi mộ này thực chất gần hơn một thế hệ so với mọi người nghĩ.

“Xét về những đồ dùng mà chúng ta cho là của Alexander, dường như không một vật dụng đơn lẻ nào đủ làm bằng chứng, nhưng khi thông tin ngày một nhiều hơn thì tranh luận này tỏ ra là có lý. Chúng tôi tin rằng đây có thể là di vật của Alexander. Xét về niên đại của chính những ngôi mộ, điều này gần như chắc chắn.”

Tranh vẽ minh họa của họa sĩ mô tả cảnh Alexander Đại đế cập bờ trong một chiến dịch ở châu Á. (Ảnh: Tom Lovell/NGS)
Kết quả phân tích mới về một ngôi mộ khai quật ở Hy Lạp vào những năm 1970 cho rằng đây là nơi an nghỉ của người anh cùng cha khác mẹ của Alexander chứ không phải cha của ông như mọi người từng tin trước kia. Suy luận mới có nghĩa rằng di vật phát hiện trong ngôi mộ, bao gồm một cái khiên, “vương miện”, và vương trượng từng thuộc về chính Alexander.

Bí ẩn ngôi mộ

Khai quật đầu tiên ở Vergina do Manolis Andronikos tiến hành, nhà khảo cổ học tại ĐH Aristotle ở Thessaloniki, Ai Cập. Ông đã mất vào năm 1992.

Nhóm của ông đã phát hiện ngôi mộ đầu tiên chỉ là một chiếc hộp đá đơn giản chứa xương người, được xác nhận là của một nam giới trưởng thành, một nữ giới hơi trẻ hơn và một đứa bé sơ sinh.

Ngôi mộ thứ II, một ngôi mộ hình vòm có 2 phòng, chứa xương của một thiếu nữ và một nam giới trưởng thành. Ngôi mộ III, có hai phòng chạm hình vòm, là nơi an nghỉ của một thiếu niên, có khả năng là nam giới. Cả hai ngôi mộ lớn hơn đều chứa vàng, bạc và đồ trang trí bằng ngà, cũng như những bình gồm và kim loại.

“Andronikos trình bày giả thiết những ngôi mộ là của cha Alexander cùng gia đình một cách hết sức thuyết phục, và cả đất nước Hy Lạp sôi lên vì sung sướng. Thực ra tôi cũng là một trong những người, trong hai bài báo đầu tiên vào cuối những năm 1970, đồng ý với quan điểm của Andronikos rằng tàn tích trên là của Philip II.”

Tuy nhiên, Borza bắt đầu nghi ngờ kết luận của Andronikos khi ông nghiên cứu các bằng chứng. Ông liên lạc với Olga Palagia, nhà sử học nghệ thuật tại ĐH Athens, để đánh giá cấu trúc ngôi mộ, đồ gốm và các bức họa. Cả hai đều sớm nhận ra tầm quan trọng của sự thật là ngôi mộ II và III được xây dựng có trần uốn cong, được gọi là trần vòm.

Borza phát biểu với National Geographic News rằng “Trần vòm cổ xưa chắc chắn nhất ở Hy Lạp có niên đại từ cuối những năm 320 trước Công nguyên, gần một thế hệ sau cái chết của Philip II.”

Palagia cũng phát hiện các bức họa trên rìa ngoài ngôi mộ phản ánh những chủ đề có lẽ từ thời của Alexander Đại đế hơn là thời của cha ông ta.

Các bức họa mô tả một buổi lễ đi săn mang màu sắc châu Á, cho thấy ảnh hưởng từ những chiến dịch mở rộng về phía đông của Alexander.

Kho báu

Vương trượng cao 2m trong ngôi mộ là một bằng chứng khác.

“Chúng ta có những đồng xu được ban hành vào thời của ông còn lại đến ngày nay với hình ảnh Alexander đang mang một thứ dường như chiếc vương trượng có cùng độ cao.”

Thêm vào đó, một số bình bạc phát hiện được trong ngôi mộ II và III được khắc trọng lượng của chúng, theo một đơn vị đo lường do chính Alexander đặt ra một thế hệ sau cái chết của Phillip II.

“Một khi chúng ta đã thống nhất dựa trên những bằng chứng khảo cổ rằng ngôi mộ II xuất hiện sau cái chết của Philip II một thế hệ, thì chúng ta có thể đặt ra câu hỏi ‘Ngôi mộ này của ai?’. Chúng ta có một ngôi mộ hoàng gia đôi trong giai đoạn này được văn học cổ nhắc đến. Vì vậy ngôi mộ là của Philip III Arrhidaeus, anh cùng cha khác mẹ của Alexander, và hoàng hậu của mình, Adea Eurydice.”

Borza và Palagia thảo luận những dẫn chứng của mình tại buổi họp của Viện khảo cổ Mỹ vào tháng 1. Phát hiện của họ sẽ được xuất bản trong công trình sắp ra mắt của Viện khảo cổ Đức. Phần lớn những di vật khảo cổ phát hiện tại Vergina hiện đang được trưng bày tại bảo tàng ngay vị trí ngôi mộ.

Cái chết của Alexander

Alexander qua đời vì bệnh tật tại Babylon cổ đại, gần Baghdad, Iraq ngày nay vào năm 323 trước Công nguyên.

Các nhà sử học cho rằng các vị tướng của Alexander đã chỉ định Philip III vào vị trí của ông, và người anh cùng cha khác mẹ đã công khai quyền sở hữu những di vật hoàng tộc của Alexander như những biểu tượng về việc hợp thức hóa quyền lực của ông.

Con trai của Alexander, Alexander IV, người được chỉ định đồng trị vì với Philip III, bị ám sát vào khoảng 310 trước Công nguyên. Có lẽ cậu đã được chôn trong ngôi mộ III ở Vergian, nơi chôn cất thi thể của một thiếu niên. Về mặt lịch sử, việc chôn cất một thiếu niên hoàng gia Macedonia duy nhất được biết đến là dành cho Alexander IV.

Cha của Alexander, Phillip II, được chôn trong mộ I, cùng với vợ và đứa con mới sinh của họ. “Ngôi mộ I có lẽ từ thời của Phillip II – không như những ngôi mộ trong phòng lớn, xuất hiện sau này – và thi thể của ba nấm mộ tương ứng với những vụ ám sát ba người này.”

Winthrop Lindsay Adams, giảng viên lịch sử tại ĐH Utah, không tham gia vào công trình trên, cho rằng công trình của Borza dựa trên những gì mà các chuyên gia nghĩ về nhiều khía cạnh khác nhau của các ngôi mộ Vergina.

Công trình của Borza và các cộng sự xây dựng giả thiết ngôi mộ II là nơi an nghỉ của anh cùng cha khác mẹ của Alexander khá thuyết phục.

“Thực chất, đối với những học giả nghiên cứu về Macedonia thế kỷ thứ 4, đóng góp ban đầu của Andronikos cho đến giờ có vẻ đáng ngờ. Giả thiết này thuyết phục hơn nhiều.”

Tuệ Minh (Theo National Geographic)
  • 1,52
  • 1.616