Bề mặt hành tinh đỏ có những vệt lượn sóng rất lạ mà giới khoa học vừa giải mã thành công.
Theo Mirror, trên bề mặt sao Hỏa có những rãnh lượn sóng chạy dài mà giới khoa học đã phải dành nhiều thời gian tìm hiểu. Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Trinity College Dublin và Đại học Durham đã giải mã được chúng, và khẳng định không liên quan tới nước.
Bề mặt cát đã tạo thành các rãnh tương tự như những gì nhìn thấy trên sao Hỏa.
Theo các nhà khoa học, trên sao Hỏa có 95% là CO2 và thời gian của sao Hỏa cũng chia thành các mùa. Trong mùa đông, CO2 đóng băng và tồn tại dưới dạng chất rắn nằm bên dưới bề mặt sao Hỏa; đến mùa xuân thì CO2 dạng rắn bay hơi thành khí mà không kịp tồn tại dưới dạng lỏng.
Để giải thích hình dạng của các rãnh lượn sóng, các nhà khoa học đã thực hiện thí nghiệm bằng cách cho khí CO2 đóng băng và bốc hơi ở bề mặt cát trong môi trường độ ẩm thấp. Kết quả, bề mặt cát đã tạo thành các rãnh tương tự như những gì nhìn thấy trên sao Hỏa.
Với kết quả nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cơ bản giải thích được cách tương tác giữa CO2 và bề mặt sao Hỏa, đồng thời cũng loại bỏ giả thuyết liên quan tới nước trong việc tạo nên các rãnh trên. Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ vẫn tiếp tục khám phá sao Hỏa và tìm kiếm sự tồn tại của sự sống nói chung, nước nói riêng trên hành tinh này.