Hạt vi nhựa tích tụ dày đặc ngoài khơi Nhật Bản, chuyện gì xảy ra?

  •  
  • 310

Hạt vi nhựa tích tụ dày đặc ngoài khơi Nhật Bản khiến nhiều nhà khoa học lo lắng, nhất là khi mức độ ô nhiễm nhựa tại đây cao gấp 260 lần Địa Trung Hải, từng được coi là nơi ô nhiễm nhất.

Báo SCMP hôm 7-12 đưa tin các nhà khoa học Nhật Bản sửng sốt khi phát hiện lượng lớn hạt vi nhựa tích tụ dưới đáy biển ngoài khơi phía đông của đảo Honshu. Tại một số khu vực, lớp vi nhựa lắng dày đến 600 mảnh trên mỗi gam trầm tích khô.


Hạt vi nhựa có kích thước rất nhỏ nhưng gây ra nguy hiểm lớn - (Ảnh: SHUTTERSTOCK).

Cơ quan Khoa học và Công nghệ biển - Trái đất Nhật Bản (Jamstec) đã kết hợp với các trường đại học và công ty tư nhân để thực hiện nghiên cứu nói trên. Họ công bố kết quả trên tạp chí học thuật Tập san ô nhiễm biển vào tháng 10-2023.

Theo đó, mức độ ô nhiễm nhựa dưới đáy biển ngoài khơi đảo Honshu cao gấp 260 lần so với biển Địa Trung Hải. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng biển Địa Trung Hải là khu vực có số lượng hạt vi nhựa tích tụ bên trong trầm tích nhiều nhất thế giới - gấp 5.500 lần so với Bắc Đại Tây Dương.

Đội ngũ nghiên cứu đã lấy mẫu từ 7 địa điểm khác nhau. Các mẫu đầu tiên nằm ở độ sâu khoảng 855m ngoài vịnh Sagami. Tiếp đó là một số mẫu đến từ đồng bằng biển thẳm (một dạng địa hình nằm trên phần sâu của đáy đại dương, chiếm gần 50% bề mặt Trái đất) sâu gần 6.000m, cách bờ biển 500km.

Các mẫu còn lại được thu thập từ rãnh Nhật Bản, nơi cách bờ biển khoảng 250km và sâu đến 9.232m.

Kết quả cho thấy, mật độ hạt vi nhựa ở đồng bằng biển thẳm dày đặc gấp 10 lần so với những nơi khác. Các mảnh nhựa kích cỡ lớn bị xoáy nước trên bề mặt địa hình này cuốn vào, tích tụ, sau đó lắng chìm xuống đáy biển.

Các sinh vật biển phải đương đầu với nạn ô nhiễm biển do con người gây ra
Các sinh vật biển phải đương đầu với nạn ô nhiễm biển do con người gây ra - (Ảnh: BENZINGA).

Tiến sĩ Masashi Tsuchiya, phó trưởng nhóm nghiên cứu tại Jamstec, bày tỏ sự ngạc nhiên về tình trạng ô nhiễm nhựa đáng báo động này: “Các hạt vi nhựa rất khó nhìn thấy bằng mắt thường nên chúng tôi không thể biết được chuyện này. Nhưng (khi có kết quả) chúng tôi không ngờ rằng chúng đã tích tụ đến mức như vậy”.

Ông Tsuchiya suy đoán rằng dòng hải lưu Kuroshio - một trong những dòng hải lưu lớn nhất thế giới, đã mang lượng lớn rác từ Đông Nam Á và Đông Á (có cả Nhật Bản) đến vùng biển này. Chúng dần tích tụ trên bề mặt đại dương và gây ra tình trạng ô nhiễm nhựa nói trên.

Ông Guangwei Huang, giáo sư tại Phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường thủy văn của Đại học Sophia ở Tokyo, đồng ý rằng mức độ ô nhiễm nhựa ở ngoài khơi đảo Honshu cao đến mức đáng lo ngại và cần phải điều tra nguồn gốc.

Hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa xả ra biển mỗi năm

Ông Tsuchiya cho biết các cạnh nhựa sắc bén có thể làm hỏng đường tiêu hóa và các cơ quan nội tạng của sinh vật biển. Trước đây, các nhà khoa học nhiều lần phát hiện một lượng nhựa lớn bên trong dạ dày của chim và cá biển.

Vị tiến sĩ cũng nói rằng các hóa chất trong nhựa (như chất chống phân hủy và chất làm dẻo) cùng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (như PCB và DDT) có thể thấm vào nước biển. Nghiên cứu chỉ ra những chất này có thể gây ung thư hoặc bất thường về sinh sản.

Việc loại bỏ hoàn toàn hạt vi nhựa là không thể, ông Tsuchiya khẳng định cách hiệu quả nhất để giảm ô nhiễm nhựa là tại nguồn, bằng cách ngăn chặn việc xả thải. Ông đồng ý rằng xã hội hiện đại không thể thiếu nhựa nhưng cần “phải quản lý việc sử dụng một cách hợp lý”.

Các nhà khoa học ước tính có hơn 8 triệu tấn rác thải nhựa bị con người đổ vào đại dương mỗi năm. Những mảnh nhựa sẽ bị phân hủy thông qua các quá trình như tiếp xúc với tia cực tím, nhiệt độ cao, mài mòn với đá hoặc cát - tạo ra các hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 5mm.

Cập nhật: 09/12/2023 Tuổi Trẻ
  • 310