Bà Hillary Clinton nói rằng nước Mỹ "hoàn toàn không chuẩn bị trước" cho những ảnh hưởng có thể đem lại bởi trí thông minh nhân tạo.
Theo The Verge, trong cuộc phỏng vấn mới đây với đài Hugh Hewitt về cuốn sách của mình, bà Hillary Clinton đã cảnh báo rằng nước Mỹ đang "hoàn toàn không chuẩn bị trước" cho những ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn xã hội của trí thông minh nhân tạo (AI).
Cựu Bộ trưởng ngoại giao Mỹ nói rằng cả thế giới đang "chạy đua để dẫn đầu kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo" và điều này sẽ ảnh hưởng đến "cách chúng ta sống và liên hệ với nhau như thế nào".
Bà Clinton cho rằng nước Mỹ chưa chuẩn bị đủ để đối phó với các hệ quả của AI.
"Rất nhiều người thực sự thông minh, bạn biết đấy, Bill Gates, Elon Musk, Stephen Hawking... đang lên tiếng báo động rằng trí thông minh nhân tạo không phải là bạn của chúng ta", bà nói trong cuộc phỏng vấn.
Bà Clinton sau đó đã đề cập đến hai lĩnh vực cụ thể chịu ảnh hưởng của tác động này, đó là tự động hóa trong công việc và giám sát kỹ thuật số, cái được miêu tả là "mọi thứ chúng ta biết, nói và viết đang được ghi lại ở đâu đó".
"Chúng ta sẽ làm gì khi những chiếc xe không cần lái xe?", bà hỏi. "Nghe có vẻ như một ý tưởng tuyệt vời. Và bao nhiêu triệu người, từ tài xế xe tải, người giao hàng bưu kiện tới tài xế taxi và thậm chí cả lái xe Uber, chúng ta sẽ làm gì với hàng triệu người này khi họ không còn việc làm nữa? Chúng ta hoàn toàn không chuẩn bị cho điều đó".
Trên thực tế, bà Clinton đã đánh đồng quan niệm của những người nổi tiếng khác. Dù trước đó cả Musk và Hawking đã nói về mối nguy hiểm của AI nhưng chủ yếu họ lo lắng về mối đe dọa từ các siêu máy tính, chứ không phải các hiệu ứng của các thiết bị tự động. Và đúng là AI đang được sử dụng để tăng hiệu quả trong vấn đề giám sát kỹ thuật số, nhưng xu hướng này đã được thiết lập trước khi trào lưu phát triển AI bùng nổ.
Mỗi robot công nghiệp mới được lắp đặt trong một khu vực, từ 3 đến 5,6 công việc sẽ bị mất đi vĩnh viễn.
Tuy nhiên, về tác động kinh tế, cựu Bộ trưởng ngoại giao Mỹ có quyền lo lắng. Trong vài năm trở lại đây, các nhà kinh tế học và các nhà nghiên cứu đã cảnh báo rằng những tiến bộ trong việc học máy và người máy sẽ có tác động đáng kể lên thị trường lao động. Mối đe dọa không chỉ tác động đối với lao động thủ công (có kỹ năng hoặc không có kỹ năng) mà còn cả với những nghề nghiệp như luật và kế toán. Mặc dù các chuyên gia không đồng ý về mức độ ảnh hưởng có thể nghiêm trọng hay lâu dài, rõ ràng đây là vấn đề cần được chú ý nhiều hơn. Một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ với mỗi robot công nghiệp mới được lắp đặt trong một khu vực, từ 3 đến 5,6 công việc sẽ bị mất đi vĩnh viễn.
Hiện trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia đang cạnh tranh mãnh liệt trong việc giành quyền thống trị lĩnh vực AI. Tuy nhiên Mỹ đang có dấu hiệu tụt hậu so với đối thủ. Một trong các nguyên nhân là tổng thống Donald Trump đã đưa ra các chính sách cắt giảm ngân sách cho nghiên cứu khoa học cơ bản.
Trong cuộc phỏng vấn, bà Clinton không thảo luận bất kỳ chi tiết nào về các chính sách cụ thể nói trên. Tuy nhiên bà cũng thể hiện quan điểm muốn chính phủ cần hành động nhanh chóng.
"Chúng ta không thể đưa thần đèn trở lại vào cái chai", bà ví von.