Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện hố đen siêu lớn ở dải Ngân hà, đường kính 1,4 nghìn tỷ km và trọng lượng gấp 100.000 lần Mặt Trời.
Một nhóm nhà thiên văn học Nhật Bản tìm thấy bằng chứng về siêu hố đen ẩn mình trong đám mây khí độc lơ lửng gần trung tâm dải Ngân hà,Guardian hôm qua đưa tin. Nếu phát hiện được xác nhận, đây sẽ là hố đen lớn thứ hai trong dải Ngân hà sau siêu hố đen Sagittarius A* ở chính giữa thiên hà này.
Hố đen do các nhà khoa học Nhật phát hiện có thể là hố đen lớn thứ hai trong dải Ngân hà. (Ảnh minh họa: Jurik Peter).
Các nhà nghiên cứu nhận thấy những dấu hiệu của hố đen khi hướng kính viễn vọng cực mạnh trên sa mạc Atacama, Chile, về phía đám mây khí với hy vọng hiểu rõ hơn chuyển động của những luồng khí. Không giống cấu tạo của những đám mây liên sao khác, các luồng khí trong đám mây này, bao gồm hydro cyanua và carbon monoxide, di chuyển ở những tốc độ khác nhau.
Bằng chứng về hố đen lớn gấp 100.000 lần Mặt Trời.
Quan sát từ kính viễn vọng cho thấy các phân tử trong đám mây hình elip cách trung tâm dải Ngân hà 200 năm ánh sáng và rộng 150 nghìn tỷ km, bị lực hấp dẫn rất mạnh kéo theo chuyển động tròn. Theo mô hình vi tính, nguyên nhân chắc chắn nhất là một hố đen có đường kính 1,4 nghìn tỷ km.
Theo Tomoharu Oka, nhà thiên văn học ở Đại học Keio, Tokyo, đây là lần đầu tiên giới nghiên cứu phát hiện một ứng cử viên hố đen có khối lượng trung gian ở dải Ngân hà. Những hố đen khối lượng trung gian có thể lấp đầy hiểu biết của giới thiên văn về các vật thể lớn nhất trong vũ trụ. Nhóm của Oka dự đoán hố đen mới phát hiện sẽ bị hút về phía Sagittarius A* và sáp nhập với nó, khiến hố đen siêu lớn càng đồ sộ hơn.
Minh họa hố đen nuốt chửng một ngôi sao. (Video: YouTube).