Nhắc đến nghành khoa học vũ trụ, nhiều người chắc hẳn sẽ nghĩ ngay đến những con tàu không gian ngày một tân tiến, những vệ tinh mới hay những phi hành gia nổi tiếng… mà ít ai quan tâm đến việc con người sẽ ăn gì khi ở ngoài vũ trụ? Chắc chắn chúng ta không thể mang đồ ăn tươi sống lên đó để chế biến, nấu nướng như ở dưới đất được.
Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, dinh dưỡng cho các nhà du hành, có khi phải làm việc ở ngoài Trái Đất hàng năm ròng, là một bài toán khó với các nhà khoa học. Nhưng với sự phát triển và cố gắng không ngừng, nổi bật là NASA, thực đơn của các phi hành gia ngày càng được cải thiện, giúp họ có thể sinh hoạt, làm việc tốt hơn khi sinh sống ở bên ngoài Trái Đất. Dưới đây là những khám phá thực tế về những loại thức ăn được sử dụng ngoài không gian, có thể bạn sẽ thấy chúng khá thú vị.
Pizza mang lên vũ trụ thì lớp vỏ trở nên sũng nước hoặc dai nhách.
Khi đem lên không gian thì món pizza ngon lành quả thực là không thể nuốt nổi. Lớp vỏ giòn tan ngon lành thì giờ sũng nước hoặc dai nhách. Cho nên, NASA chưa bao giờ từng đem món này lên vũ trụ. Mới chỉ có duy nhất đội người Nga trên trạm vũ trụ Mir đã từng thử nghiệm một lần với món bánh này và họ cũng khẳng định là chẳng mong muốn được thưởng thức thêm nó lần thứ hai.
Loại kem khô mang lên không gian chẳng khác gì một loại kẹo bông mềm, nát vụn.
Kem khô được bán trong các bảo tàng không gian tại khắp nước Mỹ như là loại kem dành riêng cho phi hành gia nên hầu hết mọi người đều tin như vậy. Tuy nhiên, chuyến Apollo 7 vào năm 1968 là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng loại kem này được đưa vào không gian vì theo ý kiến của những phi hành gia, nó chẳng khác gì một loại kẹo bông mềm, nát vụn và hương vị thì không thể nào so sánh với kem thật được.
Thức ăn cho các phi hành gia từ thuở ban đầu trông thật sự kì cục.
Yuri Gagarin là người đầu tiên du hành ra ngoài không gian đồng thời ông cũng là người đầu tiên ăn và làm việc ở ngoài đó. Những gì ông ăn được lưu trữ trong một ống tuýp như kiểu kem đánh răng, bữa trưa của ông bao gồm một hỗn hợp chất lỏng và nước sốt sô-cô-la. Khi những người Mỹ đầu tiên bay lên vũ trụ, họ cũng ăn thức ăn trong những ống tuýp nhỏ, có cả dạng bột và dạng lỏng (thực sự chẳng có ai thích ăn những loại thực phẩm này), và họ nhận ra rằng việc ăn những thực phẩm dự trữ này không hề dễ chịu chút nào.
Thức ăn thông thường đã được các phi hành gia sử dụng hiện nay.
Cuối cùng, thời kì ăn thức ăn trong ống cũng đã bị lật đổ, hiện nay, thực đơn cho các nhà du hành đã được cải thiện rất nhiều, bao gồm nhiều loại hơn để thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của con người. Sau dự án Gemini vào năm 1965, phương pháp làm khô kiểu đông lạnh đã được phát triển, những thứ xa xỉ như tôm, bánh mì nướng, thịt gà, rau tươi, bánh pudding đã được cung cấp. Các phi hành gia thậm chí đã mang lén sandwich lên tàu để ăn, mặc dù sau đó họ đã bị khiển trách vì để các mảnh vụn bánh trôi nổi trong tàu. Trong sứ mệnh Appollo (68-75), nước nóng đã được đưa lên, và trên Trạm không gian Skylab (73-74) còn xuất hiện 1 chiếc tủ lạnh và 1 tủ đông lạnh, cho phép để các mặt hàng nhanh hỏng. Ngày nay, những loại thực phẩm để được ở nhiệt độ thường có thể ăn được trên tàu vũ trụ, ví dụ như mì ống, trái cây và các thức ăn phổ biến khác ở dưới mặt đất.
Tang được sử dụng trong không gian để làm dịu đi mùi khó chịu trong nước uống trên tàu.
Tang là một thương hiệu khá phổ biến với mọi người, không chỉ được sử dụng dưới mặt đất, nhãn hàng này còn cung cấp cho các phi hành gia trên tàu vũ trụ. Trên thực tế, Tang được chọn hoàn toàn ngẫu nhiên, nhưng lí do nó được chọn để sử dụng ở ngoài không gian là vì nước trên tàu vũ trụ có mùi vị rất tệ (do một phản ứng hóa học của nước với hệ thống hỗ trợ sự sống trên tàu) và việc thêm vị thơm của cam khiến mùi vị của nước trở nên dễ chịu hơn nhiều.
Một loại thực phẩm khá phù hợp với môi trường không gian là thịt bò khô với tính cơ động, bảo quản được lâu và đặc biệt hàm lượng dinh dưỡng rất cao. Một phi hành gia người Thụy Điển Christer Fuglesang còn mang cả thịt nai khô và thịt tuần lộc khô để chúc mừng dịp Giáng Sinh trên vũ trụ.
Có nhiều loại thực phẩm khác nhau được sử dụng trong vũ trụ.
Chúng là: đồ uống, thực phẩm tươi (chỉ dùng trong 2 ngày), thịt được chiếu xạ (để thức ăn tránh bị hư hỏng), thức ăn dạng tự nhiên (như quả hạch, bánh cookies…), thực phẩm được cô hết nước và thực phẩm được khử nhiệt (thức ăn đều được khử nhiệt để loại bỏ các vi sinh vật và enzyme có hại). Cũng phải nói thêm rằng đây là những cách bảo quản rất đặc biệt để có thể phù hợp với những chuyến bay dài hạn trong không gian.
Thực phẩm phải được đóng gói theo một chu trình nhất định.
Thực phẩm vũ trụ phải được đóng gói theo một quy trình riêng hết sức nghiêm ngặt. Ngoài những tiêu chí cơ bản, bao bì của những loại thực phẩm này phải nhẹ, dễ phân hủy và tiện sử dụng (cũng như phải có hướng dẫn sử dụng, mã vạch để có thể tiện theo dõi chế độ ăn uống của các nhà du hành). Sở dĩ có những quy định này bởi không gian trên tàu vũ trụ có hạn và hơn thế, mỗi khối lượng được đưa lên tàu đều hao tốn nhiên liệu. Vì vậy trọng lượng trên tàu cần được giảm thiểu càng nhiều càng tốt.
Thực phẩm phải đảm bảo được dinh dưỡng, dễ tiêu hóa và ngon miệng. Ngoài ra, các món ăn phải đáp ứng được đặc điểm của môi trường không trọng lượng. Vì vậy, chúng cần nhẹ, được niêm phong cẩn thận và có thể dễ dàng chuẩn bị và dọn sạch sau khi sử dụng.
Ngành khoa học vũ trụ ngày càng phát triển, thực đơn của các phi hành gia không chỉ dừng lại ở mức độ đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng. Các nhà du hành có thể mang vào không gian những món ăn truyền thống của đất nước mình. Ví dụ, khi người Trung Quốc thực hiện chuyến du hành không gian lần đầu tiên vào năm 2003, phi hành gia Yang Liwei đã mang theo món thịt lợn Yuxiang, thịt gà Kung Pao, cơm và trà thảo dược. Người Nhật thì mang sushi, ramen… để có thể đáp ứng nhu cầu thưởng thức ẩm thực của họ. Trong khi đó, người Nga lại có món Borsch (súp củ cải đỏ) và món ga-ru, sữa đông và các loại hạt.
Thực tế, bạn hoàn toàn có thể nuốt thức ăn trong môi trường không trọng lượng.
Đây là điều mà John Glenn lo ngại khi ông thực hiện chuyến du hành vũ trụ vào năm 1962. Nhưng mọi mối lo ngại đã được giải tỏa ngay bởi ông hoàn toàn có thể ăn uống một cách bình thường khi ở trong môi trường này. Quá trình nuốt được hỗ trợ do một nhu động (peristalisis) trong thực quản, việc co bóp và trương lực của các cơ cổ họng làm nhiệm vụ dẫn thực phẩm vào dạ dày chứ không phải là bằng trọng lực.
Việc thiếu đi trọng lực ảnh hưởng khá lớn đến các giác quan và quá trình tiêu hóa của con người, đặc biệt là thính giác và vị giác. Quá trình này làm thay đổi vị giác, gia vị của thức ăn trở nên hăng hơn. Ngoài ra, khi uống các đồ uống có ga, nước và ga thường được tách riêng trong dạ dày, và dẫn đến việc ợ chua. Để khắc phục việc này, các hãng sản xuất đồ uống có ga, cụ thể là Coke/Pepsi đã cải tiến và cho ra đời những loại đồ uống thích hợp cho môi trường không trọng lực, giúp cho các phi hành gia cảm nhận được vị ngon như trong môi trường bình thường.