Một số chuyên gia tin rằng, cơ thể con người đã lỗi thời và không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Các nhà khoa học đang tìm hiểu xem, liệu một ngày nào đó chúng ta có thể sống chỉ với bộ não ở những hành tinh khác hay không.
>>> Người tương lai sẽ có mỏ thay vì răng?
>>> Da người có thể đổi màu liên tục trong tương lai
Nhiều chuyên gia nhận định, đã đến lúc nhân loại cần phải nâng cấp "lớp vỏ" của mình để trở nên thân thiện với môi trường hơn và giúp chúng ta cư trú được ở những thiên hà xa xôi.
Tuy nhiên, giáo sư Kevin Warwick, một chuyên gia điều khiển học thuộc Đại học Reading (Anh), cho rằng việc tập trung nâng cấp cơ thể là không cần thiết vì con người có thể sống mà không cần có nó. Ông nói: "Bộ não là thứ then chốt. Ngay cả trên Trái đất, cơ thể hiện có của chúng ta có lẽ không còn phù hợp nữa. Chúng ta có thể tồn tại với thứ gì đó tốt hơn".
Ông Warwick đã tiến hành nhiều thử nghiệm kỳ dị, chẳng hạn như cấy ghép một vi mạch RFID vào cánh tay của mình để "trở thành một nhân vật khoa học viễn tưởng nửa người, nửa máy". Vi mạch đã giúp ông kiểm soát các cửa, đèn điện, bếp lò và những thiết bị chịu sự điều khiển của máy tính khác, dựa vào khoảng cách gần giữa ông và chúng.
Năm 2002, vị giáo sư "khác người" cũng nhận một mô cấy ghép khác, tương tác trực tiếp với hệ thần kinh của ông. Thử nghiệm đã chứng minh thành công và tín hiệu thu được đủ chi tiết để một cánh tay robot do đồng nghiệp của giáo sư Warwick - tiến sĩ Peter Kyberd sáng chế, có thể mô phỏng hành động của cánh tay "bằng xương bằng thịt" của giáo sư Warwick.
Thực tế, hệ thần kinh của ông Warwick đã được kết nối với Internet tại Đại học Columbia ở New York, Mỹ. Từ đây, ông có thể điều khiển cánh tay robot tại Đại học Reading ở Anh và tiếp nhận phản hồi từ các bộ phận cảm biến ở những đầu ngón tay robot.
Một phần khác của thử nghiệm liên quan đến một mô cấy ghép đặt bên trong cánh tay của vợ giáo sư Warwick, với mục tiêu cuối cùng là ngày nào đó có thể tạo ra một dạng "thần giao cách cảm" dùng Internet để truyền đạt tín hiệu từ nơi xa. Thử nghiệm cũng thành công, xét trên phương diện giúp mang tới sự giao tiếp hoàn toàn điện tử và trực tiếp đầu tiên giữa các hệ thần kinh của 2 người riêng biệt.
Về sau, các nhà khoa học đã tiến hành đo ảnh hưởng của mô cấy ghép đối với hoạt động cánh tay của ông Warwick thông qua việc sử dụng quy trình đánh giá tay của Đại học Southampton (Anh). Động thái này xuất phát từ e ngại rằng, việc kết nối trực tiếp với hệ thần kinh có thể gây ra dạng tổn hại hoặc can thiệp nào đó. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không phát hiện bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực hoặc sự thải loại nào. Họ quan sát thấy mô thần kinh phát triển quanh dãy điện cực, bao bọc bộ phận cảm biến.
Dẫu vậy, thành công hứa hẹn nhất đối với cuộc chinh phục thuộc địa không gian trong tương lai của con người là robot trang bị não chuột có tên Gordon, do ông Warwick sáng chế. "Sinh vật" này nằm hoàn toàn dưới sự điều khiển của các tế bào não một phôi thai chuột và có thể quyết định địa điểm di chuyển cũng như liệu nó có muốn đi tới đâu đó hay không.
Mục tiêu của sáng chế này là tái tạo thử nghiệm với các tế bào thần kinh của người, nhưng không đề cập tới việc liệu một bộ não sinh vật có thể được cấy ghép vào một cỗ máy thám hiểm không gian hoặc tàu vũ trụ ngoài trái đất hay không. Tuy nhiên, ông Warwick lạc quan rằng, một ngày nào đó, chúng ta có thể cử một phương tiện có chứa một bộ não người tới hành tinh khác.