Làm chế phẩm sinh học tạo trầm hương trên cây dó bầu

  •  
  • 96

Nhóm sinh viên Đại học Lâm nghiệp nghiên cứu chế phẩm sinh học, sau đó khoan lỗ trên cây dó bầu để tạo trầm hương.

Với mong muốn kích thích trầm hương sinh trưởng thay thế phương pháp thủ công và hóa học, nhóm sinh viên Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Anh Dũng và Nguyễn Đức Nam tìm cách chọn lọc một số dòng nấm ngoài tự nhiên tạo chế phẩm sinh học.

Từ tháng 7/2020 với sự hướng dẫn của TS Nguyễn Thị Hồng Gấm, nhóm nghiên cứu đã chọn lọc được năm dòng nấm có khả năng kích thích tạo trầm hương, gồm: Penecillum, Aspergillus, Trichoderma, Fusarium solani và Mucor. Đây là các chủng nấm có khả năng sinh enzyme cellulase và pectinase ngoại bào tốt trong phòng thí nghiệm. Nhóm nghiên cứu đã phân lập và tạo thành công chế phẩm sinh học có khả năng kích thích sinh trầm hương.

Thực nghiệm tại vườn trầm hương tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) trong 8 tháng nhóm ghi nhận 100% tỷ lệ lỗ khoan tạo trầm trên cây với kích thước vết tạo trầm 2,2 x 36 cm, gỗ tạo trầm có màu đen sẫm và mùi thơm ngát, ngọt, thanh mùi trầm.

 Các chế phẩm sinh học giúp tăng sinh trầm hương được nhóm phối trộn trong phòng thí nghiệm.
Các chế phẩm sinh học giúp tăng sinh trầm hương được nhóm phối trộn trong phòng thí nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Hiện có nhiều cách tạo trầm hương, bằng thủ công và sử dụng hóa chất. Nguyễn Hoàng Anh, trưởng nhóm cho biết, việc tạo trầm hương tự nhiên bằng các biện pháp thủ công đơn giản, dễ thực hiện nhưng xác suất thành công thấp. Nếu dùng hóa chất hiệu quả cao hơn, có thể tạo được nhiều trầm trong thời gian ngắn, nhưng gây dư thừa các thành phần hóa học độc hại. Loại trầm này cũng không được người dùng ưa chuộng. Do vậy, sử dụng các chủng nấm có khả năng kích thích tạo trầm cấy trực tiếp vào thân cây được đánh giá là khả quan, với các ưu điểm như tỷ lệ thành công cao và không để lại hóa chất độc hại tồn dư trong sản phẩm.

Theo Hoàng Anh, các vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp ra nhiều loại enzyme, phân giải các hợp chất cấu tạo nên tế bào gỗ của cây dó bầu. Do vậy cấu trúc tế bào gỗ vững chắc bị phân giải dần từ ngoài thành vào trong. Đặc tính của cây dó bầu là khả năng sinh tổng hợp nên các hợp chất tại các vùng tế bào bị tổn thương. "Tạo vết thương trên thân dó bầu và truyền chế phẩm sinh học tại vị trí đó sẽ giúp cho việc tạo trầm của cây hiệu quả hơn", Hoàng Anh nói. Nhóm sẵn sàng chuyển giao kỹ thuật tạo chế phẩm sinh học cho doanh nghiệp để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất.

Lỗ khoan tạo trầm hương tại Hà Tĩnh từ chế phẩm sinh học nhóm tạo được
Lỗ khoan tạo trầm hương tại Hà Tĩnh từ chế phẩm sinh học nhóm tạo được. (Ảnh: NVCC)

TS Nguyễn Thị Hồng Gấm, Viện Công nghệ sinh học Lâm nghiệp (Đại học Lâm nghiệp) đánh giá, "nghiên cứu của nhóm khá bài bản, có thể ứng dụng ngay". Các dòng nấm có sẵn trong tự nhiên, được phân lập và nhân lên dùng để kích thích tạo trầm hương hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp sinh học là cần thời gian dài để kích thích tạo trầm và khối lượng thu được trên cây không nhiều.

Hiện cây trầm hương được chia thành 2 loại chính gồm: cây tự nhiên và nhân tạo. Cây trầm hương nhân tạo được hình thành dưới sự tác động của con người. Thông thường những cây dó bầu từ 7 - 10 năm tuổi sẽ được chọn để tiến hành đục và cấy ghép cây. Sau đó, sẽ cần thêm 5 năm để cây dó bầu tạo ra trầm. Tương tự như trầm tự nhiên, trầm hương nhân tạo cũng phải trải qua các quá trình hình thành và tích tụ để tạo nên trầm.

Tại Việt Nam, cây dó bầu mọc tự nhiên rải rác trong rừng từ Bắc vào Nam, phân bố tập trung ở các tỉnh Kon Tum, Kiên Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh và đảo Phú Quốc. Riêng Hà Tĩnh, đến 2020 có khoảng 3 triệu cây dó bầu, phân bố trên 3.000 ha, mật độ trung bình 1.000 cây mỗi ha với hơn 9.000 hộ dân trồng dó bầu.

Cập nhật: 03/07/2023 VnExpress
  • 96