Chiến lược và các biện pháp phòng-chống của Liên Xô đã ngăn không cho dịch bệnh chết người nào có cơ hội lây lan.
Chiến lược đúng, biện pháp đồng bộ đã giúp Liên Xô thành công trong việc phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh. (Nguồn: rbth)
Chính quyền Xô viết đã phải “thừa hưởng” một di sản đáng buồn về các bệnh truyền nhiễm từ Đế chế Nga. Mặc dù thực tế là các tổ chức y tế công cộng đã được thành lập tại hàng chục thành phố nước của Nga trước cách mạng, nhưng nước này không có hệ thống dịch vụ vệ sinh-dịch tễ (SANEPID) trên toàn quốc. Năm 1912, khoảng 13 triệu người - chiếm tới 7% tổng dân số - được xác định là mắc bệnh truyền nhiễm. Tình hình trở nên tồi tệ hơn đáng kể do Thế chiến I và Nội chiến Nga.
Sau khi cướp chính quyền, những người Bolshevik phải đối mặt với dịch cúm Tây Ban Nha đang hoành hành khắp cả nước, chưa kể đến bệnh tả và thương hàn truyền thống. Mặc dù gặp khó khăn nghiêm trọng về kinh tế, chính quyền đã chi một khoản tiền lớn cho việc cải thiện tình trạng sức khỏe ở các khu định cư và khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa chưa từng làm trước đó.
Dưới chế độ Xô viết, hệ thống chăm sóc sức khỏe được chú trọng xây dựng. (Nguồn: rbth).
Sắc lệnh y tế công cộng ngày 15/9/1922 đã cho ra đời một tổ chức y tế công cộng duy nhất và các trạm SANEPID bắt đầu tích lũy mọi thứ cần thiết để chống lại các bệnh truyền nhiễm, bao gồm các phòng thí nghiệm. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành SANEPID Nga.
Với nhận thức phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính quyền đã đưa ra các biện pháp sâu rộng đối với vệ sinh phòng ngừa, bao gồm cả ngành công nghiệp thực phẩm và dịch vụ ăn uống công cộng. Đến cuối những năm 1920, tỷ lệ tử vong, bao gồm cả trẻ em và tỷ lệ mắc bệnh truyền nhiễm đã giảm đáng kể. Đồng thời, Liên Xô đã chú ý rất nhiều đến việc đào tạo đội ngũ các nhà dịch tễ học, vi trùng học và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm. Đầu những năm 1930 các khoa vệ sinh-phòng ngừa đầu tiên đã được thành lập tại các cơ sở y tế.
Liên Xô chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. (Nguồn: rbth).
Thế chiến II đã gây ra làn sóng di cư khổng lồ của người dân và sự tàn phá của các vùng lãnh thổ rộng lớn, dẫn đến sự hoành hành nghiêm trọng các dịch bệnh ở Liên Xô. Bệnh kiết lỵ, sốt rét, sốt phát ban và viêm gan siêu vi trùng phổ biến khắp cả nước. Để khắc phục tình trạng này, các đội SANEPID, bệnh viện cách ly và các đơn vị khử trùng đã được ưu tiên thành lập. Huấn luyện binh sĩ về các quy tắc vệ sinh cá nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề.
Trong thời kỳ hậu chiến, dịch vụ SANEPID được phát triển cùng với ngành công nghiệp nói chung, dẫn đến sự xuất hiện của một ngành mới có tên là “vệ sinh bức xạ”, với chức năng kiểm soát và giảm thiểu việc tiếp xúc của công nhân với bức xạ ion hóa tại các nhà máy và doanh nghiệp. Đầu những năm 1970, dịch vụ SANEPID của Liên Xô đã được trao nhiều quyền hạn để chống ô nhiễm môi trường và các bệnh truyền nhiễm.
Các văn bản pháp luật và quy định về vệ sinh phòng dịch được thực hiện nghiêm túc. (Nguồn: rbth).
Không có doanh nghiệp công nghiệp nào có thể được đưa vào hoạt động mà không có cơ sở xử lý tại chỗ, và không thể xây dựng khu định cư mà không tuân thủ các quy tắc vệ sinh. Các hướng dẫn của thanh tra vệ sinh phải được thực hiện một cách bắt buộc bởi tất cả các tổ chức nhà nước và cơ sở công cộng, cũng như các công dân bình thường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức, bộ, và thậm chí các bộ được yêu cầu tuân thủ tất cả các quy định vệ sinh và phòng dịch, nếu không phải đối mặt với kỷ luật, xử lý hành chính, và thậm chí là chịu trách nhiệm hình sự. Trong hai thập kỷ từ thập niên 1950 đến 1970, tỷ lệ mắc bệnh thương hàn ở Liên Xô đã giảm gần bốn lần, ho gà - tám lần và bệnh bạch hầu - hơn 70 lần. Vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị, bại liệt và cúm đã được phát triển và áp dụng vào thực tiễn y tế công cộng. Một hệ thống tiêm chủng hiệu quả đã được thiết lập trên toàn quốc.
Ở Liên Xô, phòng chống dịch bệnh là sự nghiệp của toàn dân. (Nguồn: rbth).
Thành công nhất của Liên Xô là mầm bệnh bệnh đậu mùa - một trong những căn bệnh khủng khiếp nhất của loài người - đã bị loại bỏ hoàn toàn trong tự nhiên từ năm 1980. Năm 1958, Liên Xô đã chuyển 25 triệu liều vắc-xin được phát triển riêng cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để sử dụng trên toàn thế giới, bao gồm tại Ấn Độ, Iraq, Iran, Afghanistan và Miến Điện. Liên Xô đã tặng từ thiện nhiều vắc-xin chống bệnh đậu mùa cho WHO nhiều hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại.