Lộ diện "quái vật bay” chưa từng biết, sải cánh gấp đôi đại bàng

  •  
  • 173

Hóa thạch của một quái vật kỷ Jura mới vừa được khai quật ở Bồ Đào Nha, với thân hình ngoại cỡ và biết bay.

Cũng giống như hầu hết những thứ quái dị từng lượn lờ trên bầu trời "thời đại quái vật" trải dài các kỷ Tam Điệp - Jura - Phấn Trắng, đó là một con bò sát chứ không phải chim, dù biết bay.

Theo Sci-News, sinh vật lạ được đặt tên là Lusognathus almadrava, được xác định thuộc về một phân nhóm gọi là Gnathosaurinae, gồm những con dực long to lớn và "dung nhan" cực kỳ đáng sợ.

Lusognathus almadrava khi còn bay trên bầu trời kỷ Jura
Lusognathus almadrava khi còn bay trên bầu trời kỷ Jura - (Ảnh đồ họa: Jason Brougham)

Dực long là "bà con" gần gũi của khủng long, nhưng thay vì bước đi trên mặt đất, chúng thống trị bầu trời và còn được biết đến với cái tên "thằn lằn có cánh".

Theo tiến sĩ Octávio Mateus từ Bảo tàng Lourinhã và đơn vị GEOBIOTEC Thuộc Đại học Nova ở Lisbon (Tây Ban Nha), dực long là nhóm sinh vật cực kỳ đa dạng, phân bố ở khắp nơi bao gồm Nam Cực, nhưng việc nghiên cứu chúng còn gặp nhiều khó khăn do hồ sơ hóa thạch tương đối thưa thớt.

Trong đó, thứ mà các nhà cổ sinh vật học mong muốn tìm thấy nhất là hóa thạch từ những con dực long ngoại cỡ của thời kỳ đầu Tam Điệp - Jura.

Khác với các dực long kỷ Phấn Trắng sau đó với sải cánh thường đạt tới 3m, các con dực long thời trước chỉ có sải cánh 1,6-1,8m, tức chỉ tương đương hoặc nhỏ hơn một con đại bàng đầu trắng hiện đại (sải cánh khoảng 1,8 đến hơn 2,3m).

Nhưng từ lâu đã có giả thuyết cho rằng dực long khổng lồ đã tồn tại trước đó.

Con vừa được khai quật là một ví dụ. Tuy chỉ nhìn thấy một phần đầu của nó, nhưng các tính toán cho thấy sinh vật này phải có sải cánh từ 3,6 đến 4m, to hơn nhiều dực long kỷ Phấn Trắng.

Theo bài công bố trên tạp chí PeerJ, các phát hiện này đã giúp hoàn thiện hơn bức tranh tiến hóa của dực long, khi chỉ ra thời điểm mà chúng tiến hóa để trở thành khổng lồ có thể là cuối kỷ Jura, thay vì đầu kỷ Phấn Trắng như các dự đoán trước đây.

Các tác giả cho rằng sự tăng trưởng ngoạn mục của các quái vật biết bay này có thể là phản ứng cạnh tranh với một giống loài mới vừa tách ra khỏi cây gia đình khủng long và tiến hóa theo cách hoàn toàn khác: Loài chim.

Với niên đại 149 triệu năm tuổi, hóa thạch này cũng có niên đại tương đương với loài Archaeopteryx, tức "chim thủy tổ".

Cập nhật: 25/09/2023 NLĐ
  • 173