Mô hình dự báo các cơn bão Mặt trời nguy hiểm

  •  
  • 765

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế tại Mỹ phát triển mô hình máy tính giúp dự báo bão Mặt trời để giảm thiểu thiệt hại do hiện tượng này gây ra trên Trái Đất.

Nhóm các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian thuộc Đại học California-Berkeley, Mỹ vừa được Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cấp vốn để phát triển một mô hình máy tính giúp dự báo thời điểm xuất hiện phun trào nhật hoa (CME), Sputnik đưa tin.

Hiện tượng phun trào nhật hoa trên bề mặt Mặt trời
Hiện tượng phun trào nhật hoa trên bề mặt Mặt trời. (Ảnh: NASA).

Theo nghiên cứu mới nhất, CME với nhiều dạng khác nhau diễn ra mỗi 3 hoặc 5 ngày, dưới các hình thức khác nhau. CME dễ quan sát nhất và nguy hiểm nhất thường xuất hiện sau các cơn bão Mặt trời (solar flare). Các nhà khoa học có thể tính toán được hướng đi và khối lượng của dạng CME này.

Tuy nhiên, có một dạng CME khác còn gọi là "CME tàng hình", không xuất hiện sau bão Mặt trời hay hiện tượng nào khác cảnh báo, di chuyển chậm hơn ở vận tốc 386–700 km/giây.

Các nhà khoa học nắm được nhiều thông tin hơn của dạng CME thông thường, có vận tốc khoảng 2.897km/giây, trong khi thu thập được rất ít dữ liệu về CME tàng hình.

Việc hiểu được nguyên nhân và tần suất của những hiện tượng này có thể giúp các cơ quan không gian trên Trái Đất bảo vệ tốt hơn mạng lưới liên lạc và đường dây điện khỏi các cơn bão địa từ trong bầu khí quyển Trái Đất do CME gây ra.

Cập nhật: 17/05/2017 Theo VnExpress
  • 765