Năm 2010 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử?

  •  
  • 2.059

Trái đất nóng lên kết hợp cùng với việc đại dương cũng ấm dần lên do hiện tượng thời tiết El Nino, năm 2010 được xem là một trong những năm nóng nhất trong lịch sử.

Theo những phân tích được đưa ra vào ngày 15/07/2010 của Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) thì nhiệt độ ghi lại được của mặt đất và đại dương trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6 vừa qua đang ở mức cao nhất so với các mức nhiệt độ đã ghi nhận từ năm 1880.

Nhiệt độ trung bình trong nửa đầu năm 2010 là 57,5 độ F, tương đương với 14,2 độ C. Mức nhiệt độ này tăng khoảng 1,2 độ F (tương ứng với 0,7 độ C) so với mức nhiệt độ trung bình của thế kỉ XX.

Jeff Masters, giám đốc khí tượng của website Weather Underground cho biết: 9 quốc gia được ghi nhận có nhiệt độ rất cao và nằm trong sự cảnh báo về các vùng nóng nhất trên thế giới, trong đó có Pakistan. Vào ngày 26/05 vừa qua, nhiệt độ đo được ở nước này là 128,3 độ F, tương đương với 53,5 độ C. Đây là mức nhiệt độ cao nhất ở Châu Á.

Trong khi một số khu vực nóng lên nhanh chóng với nền nhiệt tăng nhanh như Châu Á, Peru và phía đông Mỹ thì những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác lại khiến cho một số khu vực khác trở nên lạnh bất thường. Tỉnh Quý Châu, Trung Quốc là một ví dụ với nền nhiệt thấp được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua.

"Cú huých” của El Nino và Trái đất nóng lên

Trái đất ngày một nóng lên với cú huých của El Nino. Ảnh: Internet

Một trong những lí do quan trọng khiến trong năm 2010 có thể trở thành năm nóng nhất trong lịch sử được ghi nhận là do sự tương tác của hai hiện tượng khí hậu khắc nghiệt: El Nino và La Nina.

Thông thường thì cứ 3 – 7 năm, El Nino và La Nina lại “đổi chỗ” cho nhau. Chúng xảy ra xen kẽ và giúp cho nhiệt độ của vùng Trung – Đông Thái Bình Dương ổn định. Vào khoảng tháng 5, hiện tượng El Nino sẽ tiêu tan, mở đường cho hiện tượng La Nina xuất hiện. Tuy nhiên, vào năm nay, hiện tượng El Nino có xu hướng kéo dài qua tháng 8 và điều đó có thể phá vỡ sự cân bằng, nhiệt độ khó có thể được “làm mát” trở lại.

Về cơ bản, hiện tượng nóng dần lên của toàn cầu có thể được so sánh với một chiếc thang cuốn hai đầu và các hiện tượng khí hậu bất thường El Nino, La Nina như hai người đang đứng ở hai đầu thang, đi lên đi xuống tùy theo sự di biến của hiện tượng kia. El Nino, La Nina không ngừng chuyển động và khi chúng không còn ở vị trí đầu của chiếc thang thì sự cân bằng đã bị phá vỡ.

Kevin Trenberth, nhà khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu khí quyển quốc gia tại Boulder, Colorado, Mỹ cho rằng: “Nó không chỉ là hiện tượng ấm lên của toàn cầu và cũng không phải là một sự biến đổi của tự nhiên của tự nhiên một cách đơn thuần. Đó là sự kết hợp của cả hai”.

Băng tan và mực nước biển dâng nhanh 

Băng tan nhanh và mực nước biển dâng cao là bằng chứng rõ nét cho việc trái đất nóng lên rất nhanh. Ảnh: Guardian.co.uk


Tuy nhiên, Trenberth cũng lưu ý rằng việc tan băng ở Bắc Cực và mực nước biển tăng không phải là những hệ quả do sự tác động ngắn hạn của hiện tượng khí hậu El Nino hay La Nina gây ra.

Từ năm 1992, các vệ tinh đã cho thấy rằng mực nước biển đã tăng khoảng 2,2 inch (5,6 cm) tương ứng với mức tăng 0,3 m hoặc nhiều hơn trong một thế kỷ.

Báo cáo mới của NOAA cũng chỉ ra rằng, trong tháng 6/2010, diện tích băng bao phủ Bắc Cực đạt khoảng 4,2 triệu dặm vuông, tương đương với 10,9 triệu km2. Mức độ che phủ này thấp hơn 10,6 % so với mức độ che phủ từ năm 1979 – 2000. Và đây chính là mức độ che phủ thấp nhất được ghi nhận từ năm 1979 đến nay.

Trenberth nhấn mạnh: Băng tan nhanh và mực nước biển dâng cao chính là những bằng chứng rõ nét hơn cả cho việc Trái đất đang nóng lên rất nhanh.

Ông Derek Arndt, Trung tâm Dữ liệu Khí hậu Quốc gia Mỹ nói: Còn quá sớm để khẳng định năm 2010 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử - định danh hiện đang được năm 2005 “chiếm giữ” nhưng chắc chắn ở mức độ thấp nhất, năm 2010 cũng sẽ đứng ở vị trí thứ 3 hoặc 4 về độ nóng được ghi nhận.

Nguồn: National Geographic

Theo VietNamNet
  • 2.059