Nghiên cứu mới cho thấy gà rừng đã được thuần hóa từ những vựa lúa vùng Đông Nam Á

  •  
  • 380

Bấy lâu nay, cơm và gà vẫn là “combo” được ưa chuộng rộng rãi, nhưng dữ liệu mới từ ngành khảo cổ cho thấy mối quan hệ giữa gà và hạt thóc lâu đời hơn ta tưởng. Nghiên cứu mới đưa ra nhận định nếu không có những vựa lúa trổ bông, gà hiện đại sẽ không tồn tại.

Báo cáo khoa học cho thấy gà có thể đã được thuần hóa muộn hơn nhiều so với giả định trước đây, chỉ bắt đầu khi con người bắt đầu canh tác lúa tại những vùng rừng gần nơi gà hoang dã cư ngụ.

Theo nhà khảo cổ học Dale Serjeantson công tác tại Đại học Southampton, người không góp sức trong nghiên cứu mới, những ruộng lúa miền Đông Nam Á đã góp công lớn trong thuần hóa gà rừng. Bà khẳng định nghiên cứu mới đã “đập tan nhiều chuyện hoang đường liên quan tới gốc gác của gà hiện đại”.

Gà rừng lông đỏ Thái Lan.
Gà rừng lông đỏ Thái Lan.

Charles Darwin cho rằng gà hiện đại là hậu duệ của gà rừng lông đỏ, là một trong bốn loài gà trong chi gà rừng với pháp danh Gallus gallus. Nhìn vào vẻ ngoài của chúng, ta có thể thấy Charles Darwin nhận định có căn cứ.

Tuy nhiên, không dễ để chứng minh khẳng định của Darwin, khi phân loài gà rừng đa dạng, trải dài từ Ấn Độ cho tới miền Bắc Trung Hoa. Hơn nữa xương gà hóa thạch rất hiếm xuất hiện tại các khu vực khảo cổ.

Năm 2020, nghiên cứu phân tích gene của 863 cá thể gà đã khẳng định phân loài gà rừng Gallus gallus spadiceus, hay còn được gọi là gà rừng Myanmar, chính là tổ tiên của gà hiện đại; gà ngày nay có nhiều DNA trùng khớp với Gallus gallus spadiceus hơn bất cứ phân loài nào khác. Dựa trên kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học có thể khẳng định quá trình thuần hóa đã diễn ra tại Đông Nam Á.

Trong ảnh dưới, lần lượt từ trái sang phải là các phân loài gà rừng lông đỏ: Gallus gallus jabouillei - gà rừng Việt Nam, Gallus gallus bankiva - gà rừng Java, Gallus gallus gallus - gà rừng Đông Dương, Gallus gallus spadiceus - gà rừng Myanma, Gallus gallus murghi - gà rừng Ấn Độ, và gà nhà - Gallus gallus domesticus.

Trong ảnh dưới, lần lượt từ trái sang phải là các phân loài gà rừng lông đỏ


Gallus gallus jabouillei - gà rừng Việt Nam, Gallus gallus bankiva - gà rừng Java, Gallus gallus gallus - gà rừng Đông Dương, Gallus gallus spadiceus - gà rừng Myanma, Gallus gallus murghi - gà rừng Ấn Độ.

Trong quá khứ, đã nhiều tổ chức và chuyên gia nỗ lực tìm kiếm khoảng thời gian gà được thuần hóa nhưng bất thành. Họ không thể thu thập đủ DNA từ xương gà hóa thạch để chỉ ra khoảng thời gian bí ẩn. Để giải quyết vấn đề hóc búa, nhà cổ giải phẫu học Joris Peters và nhà cổ sinh học Greger Larson, cũng là chuyên gia về thuần hóa động vật quyết tìm câu trả lời trong bộ sưu tập xương khổng lồ.

Tận tụy tìm tòi tại hơn 600 khu vực khảo cổ trên toàn thế giới, đánh giá lại niên đại tất cả số xương gà tìm thấy được, hai chuyên gia và nhóm cộng sự quyết tâm đi tìm câu trả lời. Họ còn xuất bản một nghiên cứu riêng chỉ ra niên đại của xương gà vùng Tây Âu Á và Bắc Phi.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra xương gà lâu đời nhất tới từ khu khai quật tại làng Ban Non Wat, Thái Lan. Nơi đây, nông dân đã trồng lúa trong khoảng từ 3.250 cho tới 3.650 năm trước, và đã bỏ công chôn cất xương gà thuộc chi Gallus cùng với nhiều động vật đã được thuần hóa khác - đây là bằng chứng cho thấy những cá thể gà này đã được thuần hóa chứ không phải gà rừng.

Theo suy luận của các nhà nghiên cứu, những vựa lúa ngút cánh cò bay đã thu hút gà hoang dã trong rừng. Chúng làm tổ ngay rìa đồng lúa, và đã dần làm quen với con người.

Lần dấu xương gà xuyên suốt Châu Á cho tới Trung Đông và Châu Phi, nhóm nghiên cứu tìm ra những mối tương quan đáng ngạc nhiên giữa việc canh tác ngũ cốc với sự hiện diện của gà. Khoảng 3.000 năm trước, gà bắt đầu hiện hữu tại Trung Quốc và Ấn Độ, chúng tới Trung Đông và Bắc Phi vào khoảng 2.800 năm trước. Nghiên cứu đồng thời khẳng định những báo cáo khoa học trước đây đã sai lầm, khi đã phân tích những hóa thạch không phải gà, hoặc việc giám định niên đại có sai sót.

Xương gà cổ với hình thù quen thuộc.
Xương gà cổ với hình thù quen thuộc.

Để tìm ra được khoảng thời gian gà lần đầu đặt chân tới Châu Âu, các nhà khoa học trực tiếp tái giám định niên đại xương của 23 mẫu hóa thạch gà xa xưa nhất. Trong báo cáo vừa xuất bản trên Antiquity, nhóm khẳng định xương gà Châu Âu lâu đời nhất nằm tại khu vực khảo cổ Etruscan tại Ý, với niên đại 2.800 năm.

Các văn bản lịch sử cũng phần nào hậu thuẫn nhận định của các nhà khoa học, trong số đó có thể kể tới Kinh thánh. “Gà không xuất hiện trong Kinh Cựu ước”, tác giả chính của nghiên cứu, nhà khảo cổ học Naomi Sykes cho hay. “Chúng lại đột ngột xuất hiện trong Kinh Tân ước”.

Phải thêm 1.000 năm nữa, gà mới đặt chân tới đất Anh (khi quá giang cùng người La Mã), tới bán đảo Scandinavia và đến Iceland. Theo nhận định của nhà khảo cổ học Julia Best, người tham gia vào cả hai nghiên cứu liên quan tới gà, loài chim cận nhiệt đới đã phải tìm cách thích ứng với miền khí hậu lạnh giá.

Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu đều chỉ ra rằng con người mới tận dụng gà làm nguồn thực phẩm chính. Theo nhận định của cô Sykes, trước đây người ta coi gà như một vật phẩm quý giá nhờ bộ lông đẹp và màu sắc nổi bật, bên cạnh khả năng gáy to mỗi khi trời sáng. Nhìn vào cách chúng được mô tả trong tranh và được chôn cất tử tế, ta cũng có thể thấy tầm quan trọng của gà trong văn hóa. Hơn nữa, những con gà cổ đại được thuần hóa không mang nhiều giá trị dinh dưỡng, khi kích cỡ của chúng vẫn còn khá hạn chế.

Báo cáo cũng đồng thời nêu ra một mốc thời gian đáng buồn với loài gà: khoảng 500 năm sau khi đặt chân lên khắp chốn, chúng đánh mất vai vế trong xã hội và trở thành món ăn thường nhật của loài người.

Quyết định sống gần ruộng lúa của gà có phải là sai lầm?
Quyết định sống gần ruộng lúa của gà có phải là sai lầm?

Theo lời nhà cổ động vật học Masaki Eda công tác tại Đại học Hokkaido, nghiên cứu mới cho thấy “sự phân tán gà được thuần hóa là sự kiện rất gần với đương đại, gần hơn nhiều những nhận định trước đây”. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Eda vẫn cho rằng nên tái giám định các mẫu xương gà tại Thái Lan, nhằm khẳng định chúng chính là gà đã được thuần hóa, chứ không phải gà rừng lông đỏ được chôn cùng con người.

Ông đồng thời muốn khảo sát thêm những vùng Đông Nam Á khác, mong muốn tìm đường di chuyển của gà đã được thuần hóa khắp bán đảo Đông Dương cũng như khắp lục địa Á Âu.

Theo lời nhà cổ sinh học Greger Larson, ngay cả khi gà được thuần hóa muộn hơn những con vật khác, gà vẫn là loài được thuần hóa thành công nhất hành tinh. Số lượng gà đang áp đảo con người với tỷ lệ 10:1. Nhà khảo cổ học Naomi Sykes đồng thời nêu nhận định: “Nghiên cứu này không chỉ về gà hay thóc. Cách con người liên kết với gà chính là thấu kính giúp ta nhìn rõ cách con người liên hệ với thế giới tự nhiên”.

Cập nhật: 17/06/2022 Trí Thức Trẻ
  • 380