Nhãn hiệu JVC sắp "tuyệt chủng"?

  •  
  • 218

Nhờ vào cơn sốt TV màn hình phẳng và những đợt cải tổ mạnh tay, tập đoàn điện tử gia dụng số một thế giới Matsushita đã có lãi trở lại. Nhưng giờ đây, họ cần phải tìm kiếm một sản phẩm "hit" mới và quyết định vận mệnh của bộ phận JVC đang thua lỗ trầm trọng. 

Với chính sách cắt giảm chi phí mạnh tay và doanh thu bùng nổ từ TV plasma, Matsuhita Electric đã có được mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 15 năm qua. Thế nhưng vẫn còn đó những "ung nhọt", những điểm yếu có thể đe dọa đến tăng trưởng của hãng trong tương lai.

Thiếu ngôi sao

Nguồn: Plasmatvbuyingguide
Phải kể đến đầu tiên là sự thiếu vắng một sản phẩm "ngôi sao", kiểu như iPod và iTunes đối với công việc kinh doanh của Apple Computer vậy. Giới đầu tư lo ngại về sự cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường TV màn hình phẳng và tỏ ra hoài nghi rằng những khoản đầu tư lớn cho máy ảnh số cùng đầu đĩa DVD thế hệ mới có thể "đơm hoa kết trái".

"Máy ảnh số là sản phẩm sắp bão hòa. Ngay cả những model cao cấp cũng chịu sức ép về giá thành nên chất chứa nhiều rủi ro. DVD thế hệ mới thì chưa ai dám nói chắc về tương lai của chúng", Mitsushige Akino, giám đốc quản lý quỹ đầu tư của Ichiyoshi Investment Management nhận định. "Tôi chưa thấy sản phẩm nào đủ sức thay thế plasma trên chặng đường tăng trưởng tiếp theo của họ".

Thành công của Matsushita trong thời gian vừa qua có công rất lớn của chủ tịch Kunio Nakamura, người đã thực thi hàng loạt quyết định cắt giảm nhân sự với hàng ngàn nhân viên.

Thế nhưng trong tháng sáu này, Matsushia sẽ có chủ tịch mới. Và giới đầu tư đang theo dõi sít sao liệu Tân chủ tịch Fumio Ohtsubo có thể tìm thấy "đầu tàu tăng trưởng" nào mới hay không.

JVC - Bỏ thì thương, vương thì tội

Một vấn đề thứ hai cũng rất được quan tâm là vận mệnh của JVC, nhãn hiệu điện tử nổi tiếng và quen thuộc với rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam. Cựu chủ tịch Nakamura luôn luôn ủng hộ JVC, nhưng Tân chủ tịch lại tuyên bố: mối quan hệ giữa Matsushita với JVC thật sự phức tạp.

"Bộ phận này vừa là đối tác, lại vừa là đối thủ của những sản phẩm trọng điểm của Panasonic như máy quay camera cầm tay và TV màn hình phẳng
". Nhiều khả năng, ông Ohtsubo sẽ bán 52,4% cổ phiếu của JVC, trị giá khoảng 78 tỷ yên (697 triệu USD) trong thời gian tới.

Đây là bước đi được dự báo trước, bởi theo giới phân tích, Matsushita chẳng hưởng được mấy lợi lộc khi sở hữu hoàn toàn JVC, bởi giữa hai bên thiếu đi một sự "hài hòa", tương đồng.

Trước nay, trở ngại lớn nhất trong việc Matsushita bán JVC chính là chủ tịch Nakamura. Với việc ông này về nghỉ trong tháng 6, rào cản cuối cùng đã bị gỡ bỏ.

Do nhu cầu èo uột dành cho TV và đầu máy nghe nhạc truyền thống, doanh thu của JVC liên tục sụt giảm. Trong suốt 2 năm qua, nhãn hiệu này luôn thua lỗ và là một gánh nặng lớn, hãm lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của Matsushita.

Đau đầu vì ĐTDĐ

Nguồn: Amazon
Bộ phận điện thoại di động cũng là một mối lo canh cánh với Matsushita. Năm ngoái, Panasonic buộc phải thu hẹp lại quy mô kinh doanh tại các thị trường ngoài nước, hoàn toàn đối lập với tình cảnh liên doanh giữa Sony với Ericsson - vốn đang sung sướng tận hưởng thành công của dòng điện thoại Walkman.

Hàng trăm nhân sự bị cắt giảm, và mục tiêu của bộ phận ĐTDĐ trong năm tài khóa này là đạt lãi 6 tỷ yên, một "mơ ước" không biết có hão huyền hay không, khi mà năm ngoái, họ thua lỗ tới 8,4 tỷ yên. Thêm vào đó, Matsushita không thể kỳ vọng vào một tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, khi họ chỉ chuyên tâm vào thị trường di động nội địa nay đã bão hòa.

Những hy vọng vàng

Bộ phận khiến Matsushita mở mày mở mặt nhất là TV plasma (chiếm 25,8 thị phần toàn cầu, bỏ xa Á quân LG Electronics với 14,9%).

Để củng cố vị trí của mình, Matsushita sẽ đầu tư thêm 180 tỷ yên để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình plasma lớn nhất thế giới ở miền Tây Nhật Bản.

Ngoài ra, hãng dự kiến phát hành loại máy ảnh số phản chiếu một thấu kính và đầu đĩa quang Blu-ray đầu tiên trong năm nay. Tuy nhiên, theo giới phân tích thì những thiết bị này khó lòng trở thành cỗ máy kiếm tiền đắc lực bằng TV plasma.

Thiên Ý
Theo PC Mag, VietNamNet
  • 218