Thiên nhiên hoang dã Việt Nam không chỉ đẹp mà còn có những loài động vật thật kỳ quái. Sau đây là một số hình ảnh về những loài động vật "chẳng giống ai" được phát hiện và chụp hình trong tự nhiên để độc giả cảm nhận về tính đa dạng và phong phú của thiên nhiên tươi đẹp và kỳ thú của chúng ta.
1. Đuôi dài 7cm, tổng chiều dài 15cm và đôi chân trước và sau dài 2cm có năm ngón. Loài thằn lằn rất dài này có tên Thằn lằn chân ngắn Lygosoma quadrupes, tiêu biểu nhất cho lối sống trong hang, chúng thường được tìm thấy trong các khúc gỗ mục và thức ăn là mối và ấu trùng. Đôi chân của loài thằn lằn này mọc ra chỉ để làm cảnh vì hầu như nó không đủ mạnh để nâng đỡ cơ thể chúng.
2. Loài tắc kè bay Dacro maculatus có khả năng biến đổi màu sắc rất kỳ diệu. Nếu ở khoảng cách 4 mét trở lên, mắt thường không biết đây là mảng nứt của thân cây xù xì hay là loài động vật. Đôi cánh da của nó xòa ra giúp chúng có thể bay từ cây này qua cây khác để tìm kiếm thức ăn và lẩn tránh kẻ thù.
3. Loài động vật dưới đây có thân hình thật lạ, không phải rắn mà cũng chẳng phải thằn lằn. Đây là một loài lưỡng cư Ếch giun Ichthyophis bannanicus đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Chúng có cơ thể hình giun song kích cỡ lớn hơn.
Chúng khác giun ở chỗ: Đầu có mắt như hai chấm đen, nhỏ hơi dẹp, mõm tương đối nhọn và có hàm rõ. Phần giữa lưng và bụng có một dải màu trắng đục hay vàng chạy dài từ góc hàm tới góc đuôi. Chiều dài cơ thể ếch giun có thể tới 100mm.
4. Cá cóc sần Echinotriton asperrimus đươc xem như loài sinh vật tiền sử Salamander này có hình dạng giống thằn lằn, có kích thước nhỏ hơn Cá cóc bụng hoa, chiều dài cơ thể trung bình 116mm. Chi trước có 4 ngón, chi sau có 5 ngón. Đầu dẹt, mõm ngắn và tù. Da sần sùi gờ giữa lưng nổi rõ, bên sườn có hai hàng củ lồi nhỏ. Đuôi dẹp bên, mút đuôi hơi nhọn. Toàn thân màu xám nhạt, đôi khi màu xám đen.
5. Sống trên cây ở ven các con suối trong rừng xanh trên độ cao 800m, leo trèo cây rất giỏi. Hoạt động mạnh từ tháng 4 đến tháng 5m, thức ăn là các loài côn trùng nhỏ. Mới nhìn bạn có cảm giác như một chú cá sấu con nhưng thực chất là một loài Thằn lằn có tên khoa học là Shinisaurus crocodilurus.
6. Loài thằn lằn được xem như là nhỏ nhất trong số các loài thằn lằn tìm thấy ở Việt Nam này có những đường kẻ màu kem và đen trơn trên đầu và thân với đuôi màu cam lửa. Sống hoàn toàn trên cạn, chúng leo treo giỏi, di chuyển dễ dàng trên các thân cây, các trụ tường và các khúc gỗ to. Dài đuôi 4,5cm, toàn bộ chiều dài 10cm.
7. Được xem như là loài có kích thước nhỏ nhất trong số các loài lưỡng cư tìm thấy ở Việt Nam (khoảng 3cm đối với cá thể trưởng thành) loài Nhái bầu hoa Micryletta inornata thường sống ở các khu rừng có các loài thực vật họ Cỏ Poaceae mọc, Kích thước quá nhỏ của chúng là một trong những khó khăn để tiếp cận và ghi nhận đời sống của chúng.
8. Khi ở trên cạn chúng phù lên và căng tròn như một quả bóng đầy gai thì thật khó để nhận biết đây là loài động vật gì ... một loài cá nóc nước ngọt có tên khoa học là Chelolodon fluviatilis. Loài này thường sống ở tầng đáy các sông, hồ nước ngọt phía nam Việt Nam và ít khi có cơ hội bắt được chúng trong tự nhiên.
9. Loài ếch cây mới (tên khoa học Rhacophorus helenae) có chiều dài cơ thể khoảng 10cm. Nó có màng da nối liền giữa các chi nên có thể lướt mình nhẹ nhàng từ cây này sang cây khác. Loài ếch cây Helen không được chú ý trong một thời gian dài do nó sống trên những tán cây cao.
10. Các nhà khoa học phát hiện loài cá Phallostethus cuulong sống ở sông Mêkông, địa phận Việt Nam. Điều đặc biệt là, con đực thuộc loài cá này có bộ phận sinh dục nằm phía dưới đầu và chìa ra một “cái lưỡi cưa” để dễ dàng giao phối với con cái.
Cá Phallostethus cuulong giống đực và giống cái. (Ảnh: mapress.com/zootaxa)
Đây chỉ là loài thứ 22 trong chi cá Priapiumfish – được lấy theo tên của vị thần tình dục và sinh sản cổ đại Hy Lạp Priapus. Tất cả chúng sống tại các dòng sông Đông Nam Á.
Bên trong cơ thể cá Phallostethus cuulong giống đực. (Ảnh: L.X.Tran/New Scientist.)
11. Loài thằn lằn tròn Hòn Khoai (tên khoa học là Cnemaspis psychedelica), đây là một loài động vật đặc hữu của Vệt Nam, phân bố tại đảo Hòn Khoai (thuộc tỉnh Cà Mau). Riêng phần đầu của chúng được bao phủ bởi những đốm vàng tươi, trông giống như một chiếc vương miện rực rỡ. Toàn bộ mặt trên của thân chúng được nhuộm một màu tím êm dịu, chân, đuôi và bụng có màu cam rực rỡ.