Quá khứ dữ dội của vật thể du hành liên sao ghé thăm hệ Mặt Trời

  •   53
  • 3.487

Sự lộn nhào bất thường của tiểu hành tinh Oumuamua có thể là do vụ va chạm dữ dội với một thiên thể khác cách đây hàng tỷ năm.

Nghiên cứu mới của một nhóm nhà khoa học ở Đại học Queen tại Belfast, Ireland chỉ ra Oumuamua, tiểu hành tinh du hành liên sao đầu tiên bay qua Trái đất hồi tháng 10 năm ngoái, từng có quá khứ rất dữ dội, theo Independent.

Oumuamua là thiên thể nhỏ giống tiểu hành tinh hoặc sao chổi, sinh ra trong một hệ hành tinh hoàn toàn khác và du hành qua hệ Mặt Trời. Khi được phát hiện bởi các nhà thiên văn học ở Hawaii, thiên thể này lập tức thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu bởi những đặc điểm khác thường của nó.

Hình dáng thuôn dài của Oumuamua không giống bất cứ thứ gì các nhà khoa học từng nhìn thấy trong hệ Mặt Trời. Vật thể dường như được bao phủ bởi lớp vật liệu hữu cơ giúp bảo vệ lõi băng bên trong trước bức xạ Mặt Trời.

Tiểu hành tinh Oumuamua
Tiểu hành tinh Oumuamua có thể đã trải qua va chạm mạnh với một giả hành tinh trong hệ của nó cách đây hàng tỷ năm. (Ảnh: BBC).

Một số nhà khoa học từng quét bề mặt Oumuamua để tìm kiếm dấu vết công nghệ ngoài hành tinh nhưng không thành công. Tuy nhiên, tiến sĩ Wesley Fraser cùng cộng sự ở Đại học Queen, Belfast, đã xuất bản một loạt nghiên cứu về thiên thể này trong nỗ lực nhằm khám phá những bí ẩn của nó. Trong nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí Nature Astronomy, họ đưa ra tiểu sử chính xác hơn về Oumuamua, xuất xứ của nó và nơi nó sắp đến.

"Chúng tôi biết rằng ngoài hình dạng dài bất thường, Oumuamua có nguồn gốc ở quanh một ngôi sao khác, từng có quá khứ dữ dội và chao đảo hỗn loạn", tiến sĩ Fraser cho biết. "Kết quả nghiên cứu của chúng tôi thực sự giúp khắc họa một bức tranh hoàn chỉnh hơn về vị sứ giả du hành liên sao kỳ lạ này. Nó khá khác thường khi so sánh với phần lớn những tiểu hành tinh và sao chổi mà chúng tôi từng thấy trong hệ Mặt Trời".

Thông qua phân tích kết quả đo độ sáng của vật thể và cách số liệu thay đổi theo thời gian, các nhà nghiên cứu nhận thấy Oumuamua không xoay tròn định kỳ giống hầu hết vật thể trong hệ Mặt Trời, mà xoay một cách hỗn loạn. Theo nhóm của Fraser, Oumuamua có thể đã ở trong tình trạng này suốt hàng tỷ năm và chắc chắn sẽ tiếp tục như vậy trong tương lai gần.

"Mô hình của chúng tôi về thiên thể này cho thấy tình trạng lộn nhào sẽ kéo dài từ hàng tỷ năm tới hàng trăm tỷ năm trước khi áp lực bên trong khiến nó xoay bình thường trở lại. Dù không biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng lộn nhào, chúng tôi dự đoán đó là do lực tác động từ va chạm với một giả hành tinh khác trong hệ của nó trước khi bị bắn vào không gian liên sao", tiến sĩ Fraser nhận định.

Một đặc điểm bí ẩn khác của Oumuamua là màu sắc. Các báo cáo sơ bộ cho thấy vật thể có màu đỏ sậm, nhưng nghiên cứu của tiến sĩ Fraser chỉ ra bề mặt của nó thực sự có màu lốm đốm. Khi mặt dài của Oumuamua quay về phía Trái đất, nó chủ yếu có màu đỏ, nhưng phân tích mới chứng minh phần còn lại của thiên thể chắc chắn có màu trung tính giống như "tuyết bị lấm bẩn", tiến sĩ Fraser cho biết.

Cập nhật: 13/02/2018 Theo VNE
  • 53
  • 3.487