Quái vật nước ngọt ở châu Âu

  •  
  • 6.279

Các nhà cổ sinh vật tìm thấy hóa thạch có niên đại 84 triệu năm của một loài động vật săn mồi trong môi trường nước ngọt mà giới khoa học chưa từng biết tại Hungary.

Hình minh họa loài Pannoniasaurus.
Hình minh họa loài Pannoniasaurus. (Ảnh: National Geographic)

National Geographic đưa tin các nhà cổ sinh vật của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hungary tìm thấy vài nghìn mẩu hóa thạch nằm dưới một hồ chứa chất thải từ một mỏ than đá ở phía tây Hungary. Pannoniasaurus, tên mà các nhà cổ sinh vật gọi loài động vật này, thuộc một họ động vật bò sát cổ mà người ta gọi là mosasaur. Những đặc điểm ngoại hình cho thấy chúng có thể là sản phẩm lai giữa cá sấu và cá voi. Rất có thể Pannoniasaurus sống cả đời trong nước ngọt.

Những mẩu hóa thạch trong hồ chứa chất thải thuộc về nhiều con Pannoniasaurus, chứ không phải một con. Những con vật đó có chiều dài thân từ 100 tới 400 cm.

"Việc hóa thạch của nhiều con vật cùng tồn tại ở một nơi cho thấy đây là một loài động vật sống trong nước ngọt thực sự, chứ không phải là một loài sống trong nước mặn và xâm nhập môi trường vì một lý do nào đó", Micheal Caldwell, một nhà cổ sinh vật của Đại học Alberta tại Canada, nhận xét.

Răng của Pannoniasaurus tương đối nhỏ và sắc - dấu hiệu cho thấy chúng chỉ bắt cá. Ngoài ra, có thể chúng cũng ăn động vật lưỡng cư, thằn lằn.

"Tôi không nghĩ chúng là những kẻ săn mồi to lớn", Caldwell bình luận.

Bốn chi của chúng có hình dạng giống chân hơn vây nên các nhà nghiên cứu cho rằng chúng thường xuyên leo lên bờ.

"Rất có thể chúng là động vật lưỡng cư và có tập tính giống cá sấu ngày nay. Chúng sống trong nước ngọt trong phần lớn thời gian, song khi nước cạn hoặc khi cần di chuyển từ sông này tới sông khác, chúng phải leo lên bờ", Caldwell nói.

Theo VNE
  • 6.279