Tuổi 9X đã mày mò sáng chế

  •  
  • 3.222

Nguyễn Văn Tuấn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) và Hà Hoài Nam (Yên Bái) đều sinh năm 1991. Vừa bước vào tuổi thanh niên, hai bạn trẻ này đã mày mò chế tạo những chiếc máy có lợi ngay cho sản xuất...

Đến Quỳnh Lưu, Nghệ An, khi nói chuyện với một cán bộ đoàn về Nguyễn Văn Tuấn, cậu bé có sáng chế máy chống tôm ngạt khí, anh cán bộ đoàn không giấu vẻ tự hào vì "cậu bé tuổi nhỏ có tài".

Cứu người nuôi tôm đỡ thiệt hại cả trăm triệu đồng! 

Chiếc máy chống tôm ngạt khí của Nguyễn Văn Tuấn. (Ảnh: Vifotec)


Đó là sáng chế máy chống tôm ngạt khí của Nguyễn Văn Tuấn, cậu bé sinh năm 1991 ở Quỳnh Lưu. Tuấn kể, gia đình em có nuôi tôm. Cậu thấy những người nuôi tôm thường đối mặt với rất nhiều rủi ro, nguy hiểm, nhất là những vụ tôm có khi một gia đình bị mất hàng trăm triệu đồng vào cuối vụ chỉ vì tôm bị ngạt khí chết.

Qua tìm hiểu, Tuấn nhận thấy nguyên do khi tôm lớn, cần nhiều oxy hơn nên phải cung cấp oxy đủ cho tôm chúng mới sống được. Nhưng làm sao phát hiện sớm lúc tôm bị ngạt để xử lý là vấn đề không dễ.

Theo kinh nghiệm của những người nuôi tôm kể, tôm chỉ nổi lên mặt nước khi bị thiếu oxy. Chúng nổi lên theo bầy đàn tạo thành lực tác động mạnh. Nhờ kinh nghiệm này, Tuấn nghĩ ra việc giăng lưới sắt để khi tôm nhảy lên sẽ đập vào lưới có nối với công tắc điện khiến công tắc điện đóng lại và phát ra tín hiệu. Nhờ đó, có thể phát hiện ra lúc cần xử lý.

Máy chống tôm ngạt khí của Tuấn ra đời, hoạt động theo nguyên lý: Khi thiếu oxy, đàn tôm sẽ nổi trên mặt nước, ánh sáng của đèn pha và bộ kích điện sẽ kích thích cho tôm hoạt động mạnh trên bề mặt của ao hồ, đập vào lưới để truyền về hệ thống cảm biến của máy.

Sau khi bộ cảm biến nhận tín hiệu sẽ truyền tín hiệu qua hệ thống rơle về máy thu tín hiệu để đóng mạch điện cho máy sục khí làm việc, lượng oxy được kịp thời bổ sung, giúp tôm khỏe mạnh bình thường và sẽ lặn trở lại xuống đáy ao hồ.

Ngoài ra, máy còn có khả năng báo động chống trộm và báo động tôm nổi lên mặt nước với số lượng lớn nhờ một bộ phận phụ gắn kèm.

Tuấn đã thử ở ao tôm nhà mình và có kết quả tốt. Điều thú vị là sản phẩm nhiều ích lợi này chỉ mất 250 nghìn đồng. Những vật liệu hầu hết từ hàng sắt vụn. Vật liệu tốn tiền nhất là chiếc bình ắc quy.

GS. Nguyễn Đức Khiển, thành viên Ban giám khảo cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc (năm 2008) nhận xét về sản phẩm đạt giải nhất này: Thiết bị này nếu đầu tư hơn, hoàn thiện hơn có thể ứng dụng rộng rãi vào thực tế đời sống để tránh được thiệt hại, rủi ro cho người nuôi tôm vào cuối kỳ thu hoạch.

Máy chẻ quế năng suất gấp 20 lần so với làm thủ công 

Máy chẻ quế của Hoài Nam. (Ảnh: Vifotec)


Cũng chỉ với những khoản tiền nhỏ tiết kiệm được và những ngày hè rỗi rãi, Hà Hoài Nam (sinh năm 1991) ở Yên Bái đã chế tạo thành công máy chẻ quế để giúp người lao động quê em tránh được tai nạn do dao chẻ quế cắt vào tay, không phải ngồi lâu và năng suất lao động lại tăng.

Công trình nghiên cứu này đã vượt qua hàng trăm thí sinh khác, đạt giải đặc biệt trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2007 và Huy chương vàng WIPO.

Nam kể, từ nhỏ em đã theo mẹ đi chẻ quế thuê. Nam cho biết, với cách làm thủ công là chẻ quế bằng dao thì dễ chẻ vào tay, đau lưng vì ngồi lâu và hít phải bụi bặm mà năng suất chỉ được 100 - 120 kg/ngày.

Do không có nhiều tiền nên vật liệu để làm ra chiếc máy thông minh này được Nam mua từ các cửa hàng phế liệu. Chỉ với 2 triệu đồng trong vòng một tháng hè hì hục tháo lắp, hàn, xi theo ý tưởng, cậu đã có chiếc máy như mong muốn.

Máy vận hành đơn giản: khung máy lắp các thiết bị giúp cho ống quế được chẻ ra từng mảnh đúng theo kích thước mong muốn. Đầu ống xi lanh có thể chuyển động, được gắn kèm các lưỡi dao. Khi pít-tông chuyển động thì ống quế sẽ đi qua lưỡi dao và được chẻ làm nhiều mảnh.

Đặc biệt, năng suất của máy chẻ quế gấp 20 lần cách chẻ quế thủ công, một ngày máy có thể xử lý được 2000-2400kg.

Trong thời gian tới Nam sẽ nghiên cứu tìm tòi thêm để năng suất của máy tăng lên 40-45 lần. Nam mong ước chiếc máy của mình được nhân rộng trong cuộc sống để giảm thiểu đi nỗi vất vả cho bà con nông dân.

Nam chia sẻ, em sẽ nghiên cứu thêm những chiếc máy có ích hơn cho bà con nông dân. Đã 3 lần Nam dự thi cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc, trước đây em đã đạt giải 3.

Theo VietNamNet
  • 3.222