Phản biện để nâng chất lượng

  •  
  • 96

Hôm 23-01, giới khoa học TP.HCM đã có dịp nhìn lại bốn năm (2003-2006) triển khai hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP tổ chức.

Tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại TP.HCM đã đánh dấu bước khởi động bằng phản biện dự án “Vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè” vào năm 2001. PGS.TS Hoàng Anh Tuấn - phó chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM - gọi đây là “đợt ra quân rầm rộ với khí thế cao nhất, phản đối quyết liệt việc bơm thẳng nước chưa xử lý của lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè ra sông Sài Gòn”.

Những ngày đó, theo ông Tuấn, giới khoa học TP.HCM tham gia sự kiện nói trên hết sức sôi nổi. Nhiều cuộc tranh luận chan chát liên tục nổ ra. “Cách làm này thật sự thẳng thắn nhưng cũng tạo nên bầu không khí “nóng” và căng thẳng trong chúng tôi”. Theo ông, đó là không khí khoa học. Tuy nhiên, không khí ấy... nguội nhanh: “Cuối cùng lãnh đạo thành phố có chỉ thị... “ngưng” (!) vì Thủ tướng đã ký với Ngân hàng Thế giới tiếp nhận tài trợ 200 triệu USD của dự án. Việc tiếp thu phản biện là để áp dụng cho dự án xử lý nước thải ở giai đoạn tiếp theo”. Chưa thành công nhưng cũng không phải là thất bại vì không khí đó đã phát đi những tín hiệu phản biện rất mạnh mẽ.

Trên đà đó, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Chia sẻ với giới khoa học TP.HCM, PGS.TS Hồ Uy Liêm - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật VN - kể lại một thành công của giới khoa học trong phản biện mới đây: dự án trồng 1 triệu ha lúa lai với kinh phí đề xuất ban đầu là 1.200 tỉ đồng. Song sau khi có tranh luận và đóng góp ý kiến của giới khoa học, kinh phí của dự án giảm xuống còn 338 tỉ đồng. Tiếp đó, Hội Giống cây trồng đề nghị giảm kinh phí dành cho dự án còn 46 tỉ đồng. “Đề nghị này cùng với những luận chứng thuyết phục đã được chấp nhận” - ông Liêm cho biết. Theo ông Liêm, hoạt động này cần được khuyến khích nhằm thúc đẩy xã hội phát triển, đồng thời giảm thất thoát, lãng phí, một vấn đề vốn gây nhức nhối cho xã hội.

Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM cho biết trong giai đoạn 2003-2006 tổ chức này đã trực tiếp phản biện sáu dự án với các qui mô khác nhau và giám định xã hội đối với dự án “Vệ sinh môi trường TP.HCM - lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè”. Ngoài ra, có 17 dự án khác do Trung tâm Tư vấn phát triển thuộc Liên hiệp hội thực hiện phản biện. Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn cho rằng các dự án được tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội chiếm tỉ lệ nhỏ so với các dự án công trình đã được triển khai.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cũng đồng tình với kiến nghị của giới khoa học thành phố “rất cần và sớm thể chế hóa hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các công trình dự án”. Chủ tịch Phạm Phương Thảo gợi ý vấn đề xây dựng chính quyền đô thị tại TP.HCM rất cần giới khoa học tham gia ý kiến, đề xuất ý tưởng, giải pháp; vấn đề hạ tầng đô thị... Ngoài ra, bà Phạm Phương Thảo yêu cầu giới khoa học cũng như hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội cần gắn với hoạt động giám sát, khảo sát của HĐND TP... để góp thêm tiếng nói và nâng chất lượng của các hoạt động này.

QUỐC THANH

Theo Tuổi trẻ
  • 96