Các cơ quan chức năng của Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan vào dự thảo Luật Công nghệ cao. Nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lý hy vọng sau khi có hiệu lực, Luật công nghệ cao sẽ tạo ra bước đột phá phát triển công nghệ cao.
Công nghệ cao ở Việt Nam có trình độ thấp, quy mô nhỏ
Công nghệ cao là công nghệ có hàm lượng cao về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng và giá trị gia tăng cao; có khả năng hình thành các ngành sản xuất, dịch vụ mới hoặc hiện đại hóa ngành sản xuất, dịch vụ hiện có.
Từ năm 1991, bốn lĩnh vực công nghệ cao là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và tự động hóa đã được đưa vào hệ thống các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước. Trong giai đoạn 1996-2000, chương trình khoa học và công nghệ (KH và CN) trọng điểm cấp Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) đã tạo ra hơn 70 sản phẩm, bao gồm 30 thiết bị, 10 hệ thống và hơn 30 phần mềm các loại.
Trong giai đoạn 2001-2005, kết quả nghiên cứu của các chương trình KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước đã được áp dụng, thu lợi hàng trăm tỷ đồng hằng năm trong các lĩnh vực trồng điều, lúa gạo, nuôi cua xanh thương phẩm và lợi ích tiềm năng trong cây trồng có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, bên cạnh một số kết quả đạt được ban đầu, nhìn chung hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao ở Việt Nam vẫn chưa tạo ra được nhiều công nghệ mang tính đột phá; một số kết quả nghiên cứu không áp dụng được vào sản xuất vì công nghệ chưa thật sự ổn định và hoàn chỉnh. Nhu cầu ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ hẹp do quy mô nhỏ bé của một nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng lạc hậu.
Sự phát triển trong thời gian vừa qua của các ngành công nghiệp công nghệ cao chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực CNTT-TT.
Phần lớn những doanh nghiệp được gọi là công nghệ cao của Việt Nam hiện chủ yếu ở trình độ lắp ráp. Doanh nghiệp không được khuyến khích và ít quan tâm nhập khẩu các bí quyết công nghệ cao để tạo dựng năng lực cạnh tranh dài hạn. Quan hệ với các công ty đa quốc gia thông qua quá trình đầu tư nước ngoài chủ yếu còn dừng ở mức đưa vốn vào đầu tư. Hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và chuyển giao công nghệ cao nói riêng để sản xuất sản phẩm công nghệ cao còn tùy thuộc vào kế hoạch chủ quan của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, vai trò của các công ty này trong việc đưa công nghệ cao vào Việt Nam chưa rõ rệt. Chúng ta chưa xây dựng được hệ thống đồng bộ, hợp lý, có hiệu quả các chương trình KH và CN trong lĩnh vực công nghệ cao, từ nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng đến phát triển công nghệ; giữa các nhiệm vụ KH và CN trọng điểm cấp Nhà nước với các nhiệm vụ của các ngành, địa phương; phương thức và năng lực quản lý ở các cấp còn nhiều hạn chế, bất cập.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến trình độ phát triển công nghệ cao ở Việt Nam còn thấp và quy mô nhỏ là do hệ thống pháp luật về công nghệ cao chưa thống nhất và đồng bộ, thiếu các hướng dẫn cụ thể trong nhiều lĩnh vực, nhất là những chính sách ưu đãi, khuyến khích cho sản xuất, dịch vụ, ươm tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển, đào tạo nhân lực cho công nghệ cao... Chưa có các quy định về những lĩnh vực ưu tiên mũi nhọn về công nghệ cao phù hợp tài nguyên môi trường và con người.
Sự cần thiết phải xây dựng và ban hành Luật Công nghệ cao
Từ thực trạng nói trên cho thấy, việc xây dựng và ban hành Luật Công nghệ cao là cần thiết và cấp bách. Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Khoa học và Công nghệ) Ðoàn Năng, cho chúng tôi biết: Dự thảo Luật Công nghệ cao có bảy chương, 35 điều, được soạn thảo theo quan điểm: Thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về ứng dụng và phát triển công nghệ cao đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh CNH, HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, công nghiệp của đất nước và phát triển bền vững; xã hội hóa hoạt động nghiên cứu - phát triển công nghệ cao, ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ cao.
Ngày 19-2-2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo lần thứ nhất giới thiệu và lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan vào dự thảo Luật Công nghệ cao, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Ðình Tiến. Các đại biểu đã tập trung thảo luận vào ba nội dung chính.
Thứ nhất, về lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư, phát triển. Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài bốn lĩnh vực công nghệ cao đã được quy định trong các văn kiện của Ðảng là CNTT-TT, công nghệ sinh học, điện tử và tự động hóa, vật liệu mới, cần bổ sung vào danh mục các lĩnh vực công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển một số lĩnh vực khác như công nghệ hạt nhân, công nghệ vũ trụ, công nghệ biển. Cần phải bổ sung là do về bản chất, đây là những lĩnh vực công nghệ cao; vị trí, vai trò của nó đã được khẳng định rõ. Hơn nữa, về các lĩnh vực công nghệ này, Chính phủ đều đã có chiến lược ứng dụng và phát triển.
Thứ hai, về khu công nghệ cao. Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luật này chỉ nên quy định chung về chức năng và nhiệm vụ của các khu công nghệ cao. Mỗi khu công nghệ cao có thể thực hiện một hoặc một số chức năng quy định trong luật mà không cần phân chia thành các loại hình khu công nghệ cao khác nhau với các chức năng và nhiệm vụ riêng. Các loại hình khu công nghệ cao rất đa dạng về quy mô, tính chất và quyền sở hữu. Nếu quy định ngay trong luật thì sẽ quá chi tiết và khó có thể phản ánh đầy đủ các loại hình khu công nghệ cao trong thực tiễn ngày càng phát triển. Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ chung của các khu công nghệ cao xây dựng các quy định cụ thể cho từng loại hình khu công nghệ cao.
Thứ ba, về các biện pháp khuyến khích, ưu đãi cho các hoạt động công nghệ cao. Ðể khuyến khích các hoạt động công nghệ cao, cần có các biện pháp có tính chất đột phá như nội dung công văn của Chính phủ số 02/VPCP-XDPL ngày 15-1-2007 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) góp ý xây dựng dự thảo Pháp lệnh công nghệ cao do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì soạn thảo và trình ủy ban. Cần quy định ngay trong luật này các mức ưu đãi, khuyến khích cụ thể cao hơn các mức ưu đãi cao nhất trong các quy định của pháp luật hiện hành. Ðây cũng là lý do UBTVQH và Quốc hội quyết định nâng Pháp lệnh Công nghệ cao thành Luật Công nghệ cao, nhằm tháo gỡ các vướng mắc với các luật hiện hành khi cần dành cho công nghệ cao các biện pháp có tính chất đột phá.