Tàu vũ trụ NASA bay qua sao Thổ lần cuối trước khi tự sát

  •   4,86
  • 2.443

Nhiệm vụ cuối cùng sẽ đưa tàu vũ trụ Cassini ghé sát tầng thượng quyển sao Thổ, tiếp cận hành tinh ở khoảng cách gần nhất từ trước tới nay.

Tàu vũ trụ Cassini bước vào giai đoạn hoạt động cuối cùng với nhiệm vụ bay 5 vòng quanh sao Thổ và bổ nhào xuống sát tầng thượng quyển của hành tinh khí khổng lồ, theo International Business Times. Cassini sẽ bắt đầu lượt bổ nhào cuối cùng xuống sao Thổ hôm 13/8 để bay qua tầng thượng quyển hành tinh này.

Để bay xuyên qua tầng khí quyển đặc, tàu sẽ phải kích hoạt động cơ đẩy tên lửa để duy trì độ cân bằng, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA). Các nhà khoa học hy vọng Cassini chỉ sử dụng khoảng 10-60% động cơ đẩy trong suốt chuyến bay. Nếu cần lực đẩy lớn hơn để tiếp tục hành trình, tàu sẽ tăng độ cao để bay bên trên vùng nhiễu loạn.

Trong suốt các vòng di chuyển theo quỹ đạo, Cassini sẽ bay ở độ cao 1.630 - 1710km bên trên những đám mây trên cùng của sao Thổ. Nếu có vật cản, tàu sẽ di chuyển lên cao thêm 200km. Nếu không khí không quá dày đặc, tàu sẽ hạ tiếp tục hạ xuống thêm 200km.

Tàu Cassini sắp bay quanh sao Thổ lần cuối.
Tàu Cassini sắp bay quanh sao Thổ lần cuối. (Ảnh: NASA).

Trong lần tiếp cận gần nhất với sao Thổ này, tàu Cassini sẽ truyền dữ liệu về Trái Đất thông qua khối phổ kế neutron và ion, cung cấp cái nhìn sâu hơn về khí quyển hành tinh.

"Trong 5 lần bổ nhào xuống sao Thổ trước cú đâm cuối cùng, Cassini sẽ trở thành thiết bị thăm dò khí quyển sao Thổ đầu tiên", Linda Spilker, nhà khoa học thuộc dự án Cassini ở Phòng thí nghiện sức đẩy phản lực (JPL), California, Mỹ, cho biết. "Từ lâu, đưa thiết bị thăm dò xâm nhập vào khí quyển sao Thổ đã trở thành mục tiêu trong lĩnh vực khám phá hành tinh và chúng tôi đang đặt nền móng cho những cuộc khám phá trong tương lai với nhiệm vụ tiên phong này".

Các thiết bị khác của Cassini sẽ tiếp tục thu thập và truyền thông tin chi tiết về khí quyển sao Thổ, cực quang, nhiệt độ bề mặt cũng như những lốc xoáy ở vùng cực. Tàu vũ trụ cũng có thể quan sát xuyên qua khí quyển hành tinh, sử dụng radar để khảo sát những khu vực rộng ít nhất 25km.

Cú đâm cuối cùng sẽ bắt đầu vào ngày 11/9. Quá trình bay qua Titan, mặt trăng lớn nhất của sao Thổ, sẽ đóng vai trò hỗ trợ trọng lực đẩy tàu bay vọt về phía sao Thổ hôm 15/9. Sau khi hoàn thành nửa vòng quỹ đạo, tàu sẽ đâm xuống hành tinh khí. Lúc này, tất cả ăng-ten trên tàu sẽ hướng về phía Trái Đất để truyền dữ liệu liên tục.

Khi chạm tới vùng khí quyển đặc gấp hai lần so với lượt bay qua hôm 14/8, động cơ đẩy sẽ không thể kiểm soát tiếp con tàu và liên lạc bị cắt đứt vĩnh viễn. Tàu Cassini sẽ bốc cháy như sao băng, kết thúc sứ mệnh kéo dài 20 năm từ năm 1997.

Cập nhật: 12/08/2017 Theo VnExpress
  • 4,86
  • 2.443