Cũng giống các Pharaoh Ai Cập, lăng mộ của những vị vua Thracian ở Bulgaria luôn biết cách thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ lẫn du khách nhờ nét bí ẩn nằm sâu dưới đất.
Lăng mộ của các vị vua Thracian là một trong những nét hấp dẫn đầy bí ẩn đối với các nhà khảo cổ và du khách. Các chuyên gia tin rằng có hơn 15.000 ngôi mộ của người Thracia ở Bulgaria và một phần mười trong số đó nằm tại trung tâm thị trấn của Kazanlak. Nơi đây cũng được biết đến với tên gọi Thung lũng của các vị vua Thracian do phát hiện được nhiều vị vua được an táng.
Nhiều ngôi mộ đã bị trộm cắp viếng thăm và mang đi kha khá của quý. Tuy nhiên, phần lớn bộ sưu tập vàng, bạc, đá quý từng được chôn theo người chết từ xa xưa đã được khai quật và hiện tại được lưu giữ trong bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp.
Hàng nghìn nấm mồ Thracia nằm rải rác trên khắp Bulgaria và những hiện vật khảo cổ tìm thấy chứng tỏ người Thracia đã thiết lập được một vương quốc hùng mạnh vào thế kỷ 5 trước Công nguyên. (Ảnh: News.)
Trong số 1.500 ngôi mộ, chỉ có 300 ngôi mộ được các nhà khảo cổ khai quật cho đến nay, và một phần trong số chúng đã giúp nhiều người hiểu hơn về một đế chế từng rất hùng mạnh, giàu có trước thế kỷ thứ 5 TCN nhờ vào lượng vàng, trang sức xa xỉ được chôn kèm trong đám tang của mỗi vị vua.
Giải thích về việc chôn quá nhiều đồ đạc có giá trị trong hầm mộ, các nhà khảo cổ cho biết tín ngưỡng của người Thracia rất mãnh liệt. Họ tin rằng có thế giới bên kia, cũng như sự bất tử của những linh hồn. Do đó, khi người cai trị của họ chết đi, họ sẽ chôn theo cả những con vật như ngựa, chó và cả ly uống rượu. Người dân cũng tin rằng các vị vua chính là con trai của Mẹ Trái Đất, do đó các nghi lễ thường diễn ra long trọng và có tính biểu tượng cao.
Lăng mộ của các vị vua cũng được xây dựng công phu, sử dụng đá granite và gạch, bao gồm một hành lang rộng hoặc nhiều ngăn. Mỗi ngăn lại được thiết kế và trang trí tỉ mỉ. Do đó, dù có nhiều ngôi mộ được chôn cất gần nhau thì không có ngôi mộ nào được xây dựng giống cái còn lại.
Ngày nay, một số ngôi mộ này đã được mở cửa cho công chúng, nhưng phần lớn đã bị đóng cửa do thiếu kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Trong đó có mộ của vua Seuthes III.