Tranh cãi quanh mộ xác ướp nữ hoàng tuyệt sắc của Ai Cập

  •   4,54
  • 13.457

Nhà Ai Cập học người Pháp Marc Gabolde cho rằng xác ướp mang tên "Quý bà trẻ hơn" được phát hiện cách đây gần một thế kỷ chính là của Nữ hoàng Nefertiti.

Tranh cãi quanh mộ nữ hoàng Nefertiti

Theo Ancient Origins, nhà Ai Cập học người Anh Nicholas Reeves, Đại học Arizona, cho rằng bên trong hầm mộ của pharaoh Tutankhamun mà Howard Carter phát hiện cách đây 93 năm, có một lối đi dẫn đến căn phòng bí mật lưu giữ xác ướp của nữ hoàng xinh đẹp Nefertiti.

Tuy nhiên, theo Marc Gabolde, chuyên gia về Triều đại 18 và thời kỳ Amarna thuộc Đại học Montpellier, xác ướp của Nữ hoàng Nefertiti đã được nhà Ai Cập học người Pháp Victor Loret phát hiện tại Thung lũng các vị vua từ cách đây gần một thế kỷ. Hiện xác ướp đang được trưng bày tại Bảo tàng Ai Cập với tên gọi "Quý bà trẻ hơn" hay "Xác ướp KV35YL".

Tranh cãi quanh mộ xác ướp nữ hoàng tuyệt sắc của Ai Cập
Bức phù điêu khắc họa Nữ hoàng Nefertiti bên chồng là pharaoh Akhenaten và các con. Akhenaten bế cô con gái đầu là Meritaten trong khi Nefertiti bế cô con gái thứ hai bị chết yểu là Meketaton. Trên vai trái của bà là cô con gái thứ ba Anjesenpaaton, người sau này kết hôn với Tutankhamun. Bức phù điêu được trưng bày tại Bảo tàng Berlin. (Ảnh: Public Domain).

Những lăng mộ nhỏ hơn kích thước thông thường

Việc có hai căn phòng trong lăng mộ của pharaoh Tutankhamun là chuyện bình thường khi so sánh với các lăng mộ khác trong Thung lũng các vị vua như lăng mộ của Amenhotep II, Thutmose IV, Amenhotep III và Horemheb, Gabolde viết trên báo Tây Ban Nha ABC.

Theo ông, việc lăng mộ có kích thước nhỏ hơn thông thường chỉ là vì nó phù hợp với vị vua này mà thôi. Ông cho rằng xét tình hình kinh tế Ai Cập khi đó, việc giảm số lượng căn phòng trong lăng mộ từ 4 xuống hai "chẳng có gì là bất thường cả".

Tranh cãi quanh mộ xác ướp nữ hoàng tuyệt sắc của Ai Cập
Mô hình ba chiều lăng mộ KV57 của pharaoh Moremheb. (Ảnh: Public Domain).

Ông cũng giải thích rằng lăng mộ của nhiều pharaoh Ai Cập khác như Ay, người kế vị Tutankhamun, cũng không có phòng phụ nào cả. Theo ông, những người thợ vừa mới bắt đầu xây đoạn dốc thứ hai dẫn vào lăng mộ thì vua Ramses I qua đời.

Trên thực tế, con trai của vị vua này là Seti I "đã mở rộng khu vực hành lang để tạo thành một hầm mộ gồm hai phòng phụ và một phòng nhỏ kích thước bằng một nửa hai phòng kia, thay vì bốn phòng phụ như yêu cầu. Nếu không có nhiều thời gian, người ta sẽ không dành ưu tiên cho việc đào tất cả các phòng kế tiếp nhau. Vì vậy, việc xuất hiện các phòng phụ trong lăng mộ Tutankhamun không phải là điều đáng ngạc nhiên như Reeves nói", Gabolde nói.

Cũng theo Gaboldge, những dấu hiệu mà Reeves phát hiện được không nhất thiết phải là vết tích của các cánh cửa bị niêm phong. Thay vào đó, chúng "có thể là dấu vết mà hai đội chạm khắc nào đó để lại, hoặc chúng là một phần của dự án xây dựng phòng phụ còn dang dở với những khe hở được lấp một cách vội vã. Tôi thực lòng hy vọng Reeves phần nào đúng và tìm thấy căn phòng được niêm phong với hài cốt của nữ hoàng sau các bức vẽ, bởi điều này sẽ làm sáng tỏ nhận dạng của nữ hoàng. Tuy nhiên, xác ướp được tìm thấy có khả năng là của Meritaten nhiều hơn là của Nefertiti".

Xác ướp của "Quý bà trẻ hơn"

Tháng 9/2010, National Geographic thông báo kết quả khảo sát của nhóm các nhà nghiên cứu liên ngành đứng đầu là nhà Ai Cập học nổi tiếng Zahi Hawass. Kết quả kiểm tra ADN cũng khẳng định các xác ướp KV35 đúng là của bà và mẹ pharaoh Tutankhamun.

Marc Gabolde tin rằng xác ướp được đề cập trong các nghiên cứu này là của Nữ hoàng Nefertiti hay "Quý bà trẻ hơn".

Tranh cãi quanh mộ xác ướp nữ hoàng tuyệt sắc của Ai Cập
Mặt trước xác ướp quý bà trẻ hơn.

"Nefertiti là em họ của Akhenaten, cả đằng bố lẫn đằng mẹ, và xác ướp KV35YL chính là của bà. Bà là mẹ của Tutankhamun", Gabolde nói.

Ông đưa ra giả thuyết rằng việc giao phối cận huyết "làm suy yếu quá trình trộn lẫn gene của Akhenaten và Nefertiti, và điều này giải thích tại sao con của hai người mang đặc điểm ngoại hình của cả hai anh em".

Trong cuốn sách gần đây nhất nói về Tutankhamun, Gabolde viết rằng Nefertiti có lẽ đã qua đời vài tháng trước khi chồng bà trở thành pharaoh, chứ không phải bà là người cai trị Ai Cập trong giai đoạn giữa hai vương triều Akhenaten và Tutankhamun. Vị trí cai trị này có lẽ thuộc về Meritaten, người con cả trong số 6 cô con gái của Nefertiti và Akhenaten.

Tranh cãi quanh mộ xác ướp nữ hoàng tuyệt sắc của Ai Cập
Mặt nghiêng xác ướp "quý bà trẻ hơn".

"Nhờ khối tài sản thừa kế lớn và tước hiệu danh dự có lẽ nhận được sau khi Nefertiti qua đời là "người vợ hoàng gia vĩ đại" của chính cha mình trong vài tháng, Meritaten nắm quyền trị vì đất nước trong vòng hai năm", theo Gabolde. Lăng mộ của bà đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Nếu Nicholas Reeves đúng và phía sau bức tường trong hầm mộ Tutankhamun chính là hài cốt của Nefertiti thì những giả thuyết của Gabolde sẽ sụp đổ.

Tranh cãi quanh mộ xác ướp nữ hoàng tuyệt sắc của Ai Cập
Tượng bán thân của Meritaten, con gái của Nefertiti và Akhenaten, trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Paris. (Ảnh: Public Domain).

Cập nhật: 17/10/2017 Theo VnExpress
  • 4,54
  • 13.457