Trung Quốc hoàn thiện “thiên lý nhãn”, có thể nhìn xa hơn 6 triệu km, giải mã những bí ẩn của vầng thái dương

  •  
  • 219

Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) đưa tin mới nhất, “Kính viễn vọng vô tuyến Mặt trời Daocheng (DSRT)” đã vượt qua một thử nghiệm quan trọng - đánh dấu sự hoàn thành kính viễn vọng lớn nhất thế giới chuyên nghiên cứu Mặt trời và ảnh hưởng của Mặt trời đến Trái đất.

Kính viễn vọng sẽ cung cấp những dữ liệu quan sát chất lượng cao cho nghiên cứu Mặt trời
Kính viễn vọng này sẽ cung cấp những dữ liệu quan sát chất lượng cao cho nghiên cứu Mặt trời

Kính viễn vọng là lĩnh vực mang tính bước ngoặt trong mạng lưới giám sát toàn diện môi trường không gian - một phần trong Dự án Meridian giai đoạn 2 của nước này. CAS cho biết, nó sẽ cung cấp những dữ liệu quan sát chất lượng cao cho nghiên cứu Mặt trời và những vấn đề thời tiết liên quan.

Nằm ở phía tây nam tỉnh Tứ Xuyên với độ cao hơn 3.820 mét, dàn kính viễn vọng DSRT gồm 313 ăng-ten parabol rộng 6 mét, tạo thành một vòng tròn lớn - bao quanh tháp hiệu chuẩn cao 100 mét ở trung tâm. “Thiết bị nhìn xa” này hoạt động ở dải tần 150 - 450 megahertz để thu hình ảnh với độ chính xác cao.

Kính viễn vọng được xây dựng ở độ cao hơn 3.820 mét.
Kính viễn vọng được xây dựng ở độ cao hơn 3.820 mét.

Thử nghiệm cho thấy Daocheng đã đạt được khả năng quan sát quang phổ cùng hoạt động của Mặt trời liên tục và ổn định với phạm vi quan sát tối đa là 10 bán kính Mặt trời. Đồng thời, tất cả các chỉ số kỹ thuật đều đáp ứng hoặc vượt quá yêu cầu thiết kế. Bán kính Mặt trời là một đơn vị đo lường khoảng cách trong thiên văn học (bằng bán kính hiện tại của Mặt trời, xấp xỉ 695.500 km).

Yan Jingye, giám đốc dự án tại CAS cho biết những thay đổi trong môi trường không gian do hoạt động của Mặt trời tạo ra ở quy mô ngắn hạn được gọi là thời tiết không gian. Giám sát và dự đoán chất lượng cao về thời tiết không gian có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động của các hệ thống công nghệ cao như các dự án không gian và truyền thông vệ tinh.

Theo ông, kính viễn vọng này có thể theo dõi các vụ phun trào nhật hoa khác nhau hay các hoạt động như lóa Mặt trời. Từ đó dự đoán, đánh giá tác động của Mặt trời đối với Trái đất.

Kính viễn vọng này có thể theo dõi các vụ phun trào nhật hoa khác nhau
Kính viễn vọng này có thể theo dõi các vụ phun trào nhật hoa khác nhau.

Thêm nữa, các nhà khoa học đã nhận định rằng, Daocheng có thể phát hiện sao xung, giúp tìm hiểu những phương pháp theo dõi tiểu hành tinh và chớp sóng vô tuyến. Được biết, vào tháng 3 năm nay, khi vẫn đang trong quá trình gỡ lỗi hệ thống, hệ thống kính viễn vọng này của Trung Quốc đã xác định thành công hiện tượng “nhấp nháy” của các sao xung trong thí nghiệm đầu tiên nghiên cứu về hoạt động này, dựa trên chuỗi hình ảnh vô tuyến.

Tiếp theo, kính thiên văn DSRT dự kiến ​​sẽ theo dõi các hoạt động của Mặt trời vào ban ngày. Nó cũng sẽ tiến hành quan sát chung với cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ lớn khác của quốc gia, bao gồm Kính viễn vọng hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST), được gọi là China Sky Eye ở Quý Châu, cơ sở radar quan sát không gian sâu của Trung Quốc được mệnh danh là China Composite Eye ở thành phố Trùng Khánh và hệ thống radar ở Hải Nam.

Trung Quốc khởi động Dự án Meridian vào năm 2008, một mạng lưới giám sát bao gồm 31 trạm trên mặt đất, để nghiên cứu thời tiết trong không gian cũng như tìm hiểu quá trình tạo ra những sự kiện thời tiết “mạnh mẽ”.

"Con người đang bước vào thời kỳ hoàng kim của thiên văn học Mặt trời vì thế giới có nhiều kính viễn vọng Mặt trời quy mô lớn đang hoạt động", Maria Kazachenko, nhà vật lý Mặt trời tại Đại học Colorado, Boulder nhận định.

Cập nhật: 03/10/2023 Nhipsongthitruong
  • 219