Truyền kỳ về người phụ nữ đầu tiên làm pharaoh Ai Cập

  •  
  • 691

Tính cả thời gian bà làm nhiếp chính và là pharaoh (vua Ai Cập), thì Hatshepsut đã cai trị Ai Cập tổng cộng 21 năm.

Dấu ấn của người phụ nữ làm Pharaoh

Hatshepsut được khắc họa dưới dạng tượng nhân sư đầu sư tử
Hatshepsut được khắc họa dưới dạng tượng nhân sư đầu sư tử. Bà đeo biểu tuợng truyền thống của nam giới là bờm sư tử và bộ râu giả của pharaoh - dấu hiệu của hoàng gia. (Ảnh: National Geographic)

Theo tạp chí National Geographic, Hatshepsut là một trong số ít phụ nữ trong lịch sử Ai Cập nắm giữ quyền lực lâu như vậy. Bà trị vì vào một trong những thời kỳ hoàng kim của Ai Cập cổ đại, khi Ai Cập rất thịnh vượng. Hatshepsut đã cho xây dựng những công trình hoành tráng trên khắp đất nước Ai Cập: vô số đền đài, bốn đài tưởng niệm khổng lồ tại Đền thờ Amun ở Karnak, cùng vô số tác phẩm nghệ thuật tôn vinh những thành tựu của bà.

Hatshepsut sinh vào khoảng năm 1507 trước Công nguyên, là con của Thutmose I và người vợ hoàng gia là Hoàng hậu Ahmose. Sau này, Hatshepsut kết hôn với Thutmose II - người anh cùng cha khác mẹ và là người thừa kế ngai vàng, để rồi trở thành người vợ hoàng gia vĩ đại của ông.

Thutmose II chết trẻ, để lại đứa con trai nhỏ tuổi là con của vợ thứ và là người thừa kế. Thutmose III còn quá nhỏ, không thể cai trị Ai Cập nên Hatshepsut, vừa là dì và mẹ kế của cậu bé, đã cai trị thay với vai trò nhiếp chính.

Hình ảnh của Thutmose III được khắc họa trên bức phù điêu màu ở Deir el Bahri
Hình ảnh của Thutmose III được khắc họa trên bức phù điêu màu ở Deir el Bahri. (Ảnh: National Geographic).

Hatshepsut dần dần chuyển từ vai trò nữ hoàng nhiếp chính thành Pharaoh hoàn toàn. Khi Thutmose III lớn hơn, ông có quyền thứ hai sau bà và chỉ có quyền cai trị Ai Cập hoàn toàn với tư cách Pharaoh cho đến sau khi bà qua đời vào khoảng năm 1458 trước Công nguyên.

Hatshepsut có lẽ biết vị trí của mình rất mong manh vì bà là phụ nữ và vì bà giành ngai vàng không bình thường. Do đó, bà đã làm điều mà các nhà lãnh đạo khôn ngoan thường làm trong thời kỳ khủng hoảng: bà đã tái tạo lại chính mình. Hình thức rõ ràng nhất là bà khắc họa bản thân như một nam Pharaoh. Về lý do tại sao thì không ai thực sự hiểu rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do bà đồng cai trị Ai Cập cùng một nam giới - một tình huống mà chưa một phụ nữ nào phải đối mặt.

Tuy vậy, bà không giả vờ làm đàn ông và không mặc đồ khác giới. Những dòng chữ trên các bức tượng của Hatshepsut hầu như luôn có một số dấu hiệu về giới tính thực sự của bà, chẳng hạn như có các từ “Con gái của Re” hoặc từ chỉ giống cái.

Hatshepsut còn lấy tên mới là Maatkare, có nghĩa là Linh hồn (ka) của thần Mặt trời (Re). Từ quan trọng trong cái tên ở đây là maat - cách diễn đạt của người Ai Cập cổ đại về trật tự và công lý do các vị thần thiết lập. Duy trì maat để đảm bảo thịnh vượng và ổn định của đất nước cần có một Pharaoh hợp pháp, người có thể nói chuyện trực tiếp với các vị thần. Đây là điều mà chỉ các Pharaoh mới có thể làm. Bằng cách tự gọi mình là Maatkare, Hatshepsut có thể đã trấn an người dân của mình rằng họ có một người cai trị hợp pháp trên ngai vàng.

Có thể nói Hatshepsut là một trong những Pharaoh có ảnh hưởng và quyền lực nhất của Vương triều thứ 18 của Ai Cập. Nhưng bà phải đối mặt với vô số sự phân biệt đối xử và thành kiến trong thời gian trị vì, chỉ vì bà là một phụ nữ cai trị trong thời điểm mà chế độ phụ hệ là chuẩn mực thống trị. Vì vậy, bà đã phải vượt qua nhiều định kiến về phụ nữ nắm quyền lực.

Bất chấp nhiều trở ngại, Hatshepsut đã thay đổi các tiêu chuẩn xã hội đối với phụ nữ trong xã hội Ai Cập cổ đại. Bà đã chứng minh rằng phụ nữ có thể trở thành những nhà lãnh đạo tự lập và có thể làm mọi việc.

Một trong những thành tựu đáng chú ý nhất dưới thời cai trị của Hatshepsut là các sứ mệnh thương mại tới Punt, một vương quốc cận Sahara gần Ai Cập. Trong chuyến thám hiểm này, Hatshepsut đã liên lạc trực tiếp với thủ lĩnh của Punt và mang về rất nhiều hàng hóa như vàng, gỗ mun và ngà voi. Sứ mệnh này đặc biệt có ý nghĩa đối với sự cai trị của bà vì nó cho người dân Ai Cập thấy rằng một phụ nữ có thể độc lập, tháo vát và tự chủ. Bà đã có thể tổ chức toàn bộ chuyến đi và còn trao đổi với một nhà lãnh đạo rất được kính trọng ở khu vực Sahara. Bởi vì bà được nhà lãnh đạo này đối xử bình đẳng nên người dân Ai Cập thấy rằng Hatshepsut là một Pharaoh đáng kính và đáng tin cậy.

Hatshepsut cũng chỉ huy một số chiến dịch quân sự, bao gồm một chiến dịch ở Nubia và một chiến dịch khác ở Levant. Bà đã mở rộng quyền kiểm soát và thương mại của Ai Cập ở những khu vực này, đồng thời mang về những tài nguyên quý giá như gỗ và kim loại quý.

Các chiến dịch quân sự ở Nubia nhằm mục đích đảm bảo các nguồn tài nguyên quý giá như vàng, ngà voi và hương trầm, đồng thời bảo vệ Ai Cập khỏi các cuộc xâm lược tiềm tàng từ phía Nam.

Không chỉ là một nhà cai trị thành công, Hatshepsut còn là người bảo trợ cho nghệ thuật và kiến trúc. Bà đã cho xây dựng nhiều công trình hoành tráng, như đền thờ Amun tại Deir el-Bahri, đền thờ Anubis tại Wadi el-Shatt el-Rigga...

Bà cũng cải tạo và mở rộng nhiều công trình kiến trúc hiện có, trong đó có đền KarnACK và đền Luxor.

Ngôi đền triệu tuổi

Ảnh chụp ngôi đền Hatshepsut năm 1955.
Ảnh chụp ngôi đền Hatshepsut năm 1955. (Ảnh: National Geographic).

Vào thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập, (còn được gọi là Đế quốc Ai Cập, kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 16 trước Công nguyên đến thế kỷ 11 trước Công nguyên), Hatshepsut là một trong những Pharaoh đầu tiên xây dựng Temple of Millions of Years (tạm dịch: Ngôi đền triệu tuổi) ở bờ Tây sông Nile, đối diện thành phố Thebes (Luxor ngày nay).

Năm thế kỷ trước đó, vào thời Trung Vương quốc Ai Cập (khoảng năm 2050 trước Công nguyên đến năm 1700 trước Công nguyên), Pharaoh Mentuhotep II đã xây dựng ngôi đền tang lễ đầu tiên tại đây. Có lẽ được truyền cảm hứng từ Mentuhotep, Hatshepsut đã xây dựng khu vực đồ sộ này dưới chân một vách đá, địa điểm mà ngày nay là Deir el Bahri. Địa điểm linh thiêng này đã được thánh hiến cho nữ thần Hathor - người bảo vệ người chết và là một vị thần tang lễ quan trọng ở Thebes.

Trong những ngôi đền này, các Pharaoh sẽ được tôn thờ sau khi họ qua đời. Trong khi đó, xác ướp của họ được an nghỉ ở nơi khác, được chôn trong những căn phòng riêng dưới lòng đất ở Valley of the Kings (Thung lũng các vị vua). Không chỉ được sử dụng cho các tang lễ hoàng gia, các ngôi đền triệu tuổi còn là tâm điểm của các nghi lễ khác: một số liên quan đến hoàng gia, số khác liên quan đến các vị thần. Trong số tất cả các ngôi đền tang lễ, ngôi đền Hatshepsut sau này sẽ trở thành công trình kiến trúc chính của khu Theban.

Quá trình xây dựng Ngôi đền triệu tuổi này (hay còn gọi là đền Hatshepsut) kéo dài khoảng 15 năm dưới sự giám sát của Senenmut, một quan chức cấp cao và được Hatshepsut tin tưởng. Tòa nhà tráng lệ này có các đường dốc và sân trong giống như ngôi đền Mentuhotep gần đó, nhưng Senenmut đã đưa ra một số cải tiến để tạo ra một tòa nhà tráng lệ không gì sánh bằng. Tòa nhà có cái tên Djeser-Djeseru, nghĩa là “thánh địa của những nơi linh thiêng”.

Ngôi đền Hatshepsut được bố trí xung quanh một đoạn bờ dốc ở trung tâm. Trải dọc theo bờ dốc này ở các độ cao khác nhau là ba khoảng sân rộng.

 Hình minh họa ngôi đền Hatshepsut ở thời kỳ đỉnh cao huy hoàng.
Hình minh họa ngôi đền Hatshepsut ở thời kỳ đỉnh cao huy hoàng. (Ảnh: National Geographic).

Ngày nay, các bức tường và sân trong ngôi đền Hatshepsut có thể trông hơi đơn điệu, nhưng vào thời của bà, chúng tràn ngập màu sắc rực rỡ, bao quanh là những khu vườn tươi tốt và hồ bơi và được trang trí lộng lẫy bằng các tác phẩm điêu khắc và phù điêu. Mỗi yếu tố trang trí đều truyền tải một thông điệp tôn giáo hoặc chính trị phù hợp với mục đích sử dụng mang tính nghi lễ của tòa nhà.

Cách bố trí ngôi đền Hatshepsut được thiết kế cẩn thận. Dễ thấy nhất là vị trí của ngôi đền hoàn toàn phù hợp với đền thờ Amun ở Karnak, ở bờ đối diện sông Nile. Ngoài ra, hướng chính xác theo hướng Đông - Tây của bờ dốc mô phỏng đường đi hàng ngày của Mặt trời, hay theo tín ngưỡng thời đó là đường đi của thần Re.

Ngôi đền cũng hài hòa với Thung lũng các vị vua nằm ở phía Tây. Nghĩa địa hoàng gia này được cha của Hatshepsut là Thutmose I khánh thành. Trên thực tế, lăng mộ KV20 - nơi chôn cất của Hatshepsut và Thutmose I - nằm trên một đường thẳng từ thánh đường Amun, căn phòng trong cùng của ngôi đền Hatshepsut. Một số chuyên gia cho rằng kế hoạch ban đầu là kết nối KV20 với thánh địa Amun thông qua một đường hầm xuyên qua vách đá xen kẽ, nhưng chất lượng đá kém đã khiến người ta không thực hiện được.

Lan can đá ở hai bên đoạn bờ dốc trung tâm được những con sư tử đá to lớn bảo vệ. Một hàng cột ngăn cách sân thứ nhất và sân thứ hai. Xung quanh sân thứ hai là những bức phù điêu nổi tiếng, khắc họa một đoàn người buôn bán mà Hatshepsut cử đến Xứ Punt.

Những bức phù điêu lộng lẫy được chạm khắc trên mái hiên của sân thứ hai của ngôi đền ở Deir el Bahri. Một số mô tả chuyến thám hiểm của Hatshepsut tới Punt vào năm thứ tám và thứ chín dưới triều đại của bà. Các bức phù điêu cho thấy hình ảnh sơ lược về địa hình, hệ động vật, thực vật và cư dân của vùng đất bí ẩn này.

Đoàn thám hiểm đến Punt bằng cách đi dọc theo bờ Biển Đỏ. Người Ai Cập chất lên tàu những hàng hóa như ngà voi, quế, hương, mỹ phẩm và da động vật. Họ cũng mang về nhà những cây mộc dược được trồng trong quần thể đền thờ Hatshepsut. Bức phù điêu trên cổng khắc họa những cây mộc dược này và cũng mô tả Hatshepsut đang dâng hàng hóa từ Punt cho thần Amun làm lễ vật.

Các bức phù điêu khác khắc họa quá trình chào đời thần thánh của Hatshepsut. Người ta cho rằng bà là con của thần Amun-Re và Ahmose, vợ của Thutmose I. Nguồn gốc thần thánh của Hatshepsut là một công cụ quan trọng trong việc hợp pháp hóa quyền cai trị của bà đối với Ai Cập.

Trong sân thứ hai cũng có hai khu bảo tồn: một dành riêng cho thần Hathor và một dành cho thần Anubis.

24 tượng khổng lồ nằm dọc hai bên lối vào sân thứ ba. Đây là tượng của Pharaoh Hatshepsut đóng giả Osiris, vị thần của kiếp sau. Bà đeo bộ râu giả và đội vương miện đôi của Thượng và Hạ Ai Cập, đồng thời bà cầm biểu tượng của hoàng gia.

Hatshepsut đã xây dựng một số không gian linh thiêng trong ngôi đền của bà ở Deir el Bahri. Trong số đó nổi tiếng nhất là khu bảo tồn tôn vinh Hathor, một trong những nữ thần lâu đời nhất của Ai Cập.

Sau khi bà qua đời, Hatshepsut bị Thutmose III cố tình đưa vào quên lãng. Ông ra lệnh phá hủy tất cả các bức tượng, tượng đài và các hình ảnh biểu tượng về bà, bao gồm cả các hình ảnh mô tả về ngôi đền của bà. Hình ảnh của bà đã bị đục đẽo khỏi các tượng đài, các bức tượng và tác phẩm của bà bị phá hủy.

Tuy nhiên, sau một cuộc tái thiết lớn vào thế kỷ 20, ngôi đền Hatshepsut đồ sộ tại Deir el Bahri (tiếng Arab có nghĩa là “tu viện phía Bắc”) vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, ẩn mình bên dưới những tảng đá đỏ của một vách đá. Vẻ đẹp của kỳ quan kiến trúc này đã làm say đắm thế giới cổ đại và là minh chứng cho vinh quang của Hatshepsut cũng như sự tận tâm của bà đối với các vị thần.

Cập nhật: 13/04/2024 Báo Tin tức
  • 691